Bảo vệ đàn vật nuôi, phục vụ thị trường Tết

14/10/2022 - 06:45

 - Thời điểm gần kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, vịt tăng cao. Ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY) An Giang tập trung các giải pháp hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn đàn vật nuôi, tận dụng nhu cầu thị trường đầu năm mới, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để tăng thêm giá trị.

Tập trung bảo vệ

Chi cục CN&TY An Giang cho biết, 9 tháng của năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi luôn ổn định ở mức cao nên quy mô đàn chăn nuôi của tỉnh tiếp tục ổn định về số lượng và sản phẩm thịt hơi xuất chuồng.

Đàn heo thịt toàn tỉnh hiện có khoảng 63.000 con, tăng 5.500 con so cùng kỳ 2021; đàn trâu, bò khoảng 69.800 con, tăng 1.120 con (trong đó đàn bò 67.500 con, tăng 1.100 con); đàn gia cầm khoảng 5,9 triệu con, tăng 1 triệu con (trong đó đàn gà hiện có hơn 1,8 triệu con, tăng 1,5 lần cùng kỳ 2021).

Tổng sản phẩm chăn nuôi trong 9 tháng qua đạt hơn 24.000 tấn, tăng hơn 3.200 tấn so cùng kỳ 2021. Trong đó, thịt heo khoảng 9.500 tấn, tăng 2.042 tấn; thịt gia cầm 7.900 tấn, tăng 360 tấn; thịt, trâu bò 6.800 tấn, tăng 797 tấn.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, ngành CN&TY đã tích cực triển khai tiêm phòng vaccine trên gia súc, gia cầm. 9 tháng qua, trên đàn heo, đã tiêm vaccine tụ huyết trùng cho 63.878 con, lở mồm long móng 35.224 con và tai xanh 24.900 con. Trên đàn trâu, bò, tiêm vaccine tụ huyết trùng 17.976 con, lở mồm long móng 30.441 con (lũy kế đã tiêm phòng còn bảo hộ 56.218 con, đạt tỷ lệ 90% so với tổng đàn), vaccine viêm da nổi cục 11.938 con (lũy kế 51.041 con, đạt tỷ lệ 87% so với tổng đàn).

Ngành thú y đã tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó nuôi 27.070 con (còn bảo hộ 33.043 con, đạt 90% so tổng đàn). Đối với gia cầm, tiêm vaccine cúm H5N1 cho hơn 5,68 triệu con (vịt gần 5,03 triệu con, gà 653.841 con), số lượng hiện còn bảo hộ trên vịt đạt 131% tổng đàn, trên gà đạt 81% tổng đàn. Trong số 11.778 vật nuôi mắc bệnh (5.558 con heo, 3.260 con trâu, bò, 2.416 con chó, 154 con dê, gia cầm 390 con), ngành chuyên môn đã điều trị khỏi 11.609 con (tỷ lệ khỏi bệnh 99%).

Nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, ngành CN&TY đã thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy, kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ với tổng cộng gần 11,25 triệu m2.

Giám sát chặt chẽ

Theo Chi cục CN&TY An Giang, qua kiểm tra ngẫu nhiên 163 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 80 xã trên địa bàn tỉnh, tại thời điểm kiểm tra, tình hình dịch bệnh ổn định, các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc tiêm phòng và tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi.

Trạm CN&TY các huyện, thị xã, thành phố đã kết hợp hệ thống mạng lưới nhân viên CN&TY xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi, nhất là vào những thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Kết quả, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương thực hiện tốt, nguồn vaccine tiêm phòng miễn phí đến nay vẫn đảm bảo.

Đến nay, Chi cục CN&TY đã cấp 73 chứng chỉ hành nghề thú y (cấp mới 67, gia hạn 6); cấp 61 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y (cấp mới 48, gia hạn 11, đổi thông tin 2); cấp 41 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh (36 cơ sở ấp trứng gia cầm, 5 cơ sở kinh doanh gia cầm sống); cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Châu Phú.

Từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng với tập trung bảo vệ đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành CN&TY An Giang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh; giám sát lưu hành virus gây bệnh; tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất khỏi tỉnh và nhập vào tỉnh; kiểm soát giết mổ...

Đồng thời, phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua cửa khẩu; kiên quyết ngăn chặn, xử nghiêm hành vi nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời gọi Công ty TNHH MTV Regina và Công ty TNHH Mai Phúc Xuân Lộc về An Giang đầu tư, hỗ trợ xác định địa điểm thực hiện đầu tư “Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang”. Đồng thời, hỗ trợ Tập đoàn TH thực hiện khảo sát vị trí xây dựng nhà máy chế biến sữa tại tỉnh An Giang. Qua khảo sát, đã chọn Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên) để xây dựng nhà máy chế biến sữa TH True Milk.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích