Phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng...
Đảm bảo an ninh chính trị, biên giới
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: Trong thời gian qua, nhất là từ năm đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, ngành Nội chính Đảng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Các cơ quan nội chính thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Đồng thời, đã nắm chắc tình hình, giữ vững thế chủ động, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để xảy ra điểm nóng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đặc biệt là trong thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan nội chính tiếp tục phát huy “lá chắn vững chắc” trên mọi mặt trận, góp phần cùng hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh, được nhân dân tin tưởng, thương yêu.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan Tư pháp có nhiều đổi mới trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Năm 2021, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 138 đảng viên; ngành thanh tra đã tiến hành 81 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm và thu hồi với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng và 3.028,40m² đất. Các cơ quan tố tụng đã phát hiện, khởi tố hơn 966 vụ án hình sự, với 1.622 bị can; đã kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm hơn 752 vụ án hình sự, với 1.137 bị cáo.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang đã tích cực tham mưu có hiệu quả cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan pháp luật tỉnh tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đề xuất và được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo 4 vụ án. Riêng 8 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo và giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc đối với 7 vụ án, vụ việc.
Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; là đầu mối giúp cấp ủy điều hòa, phối hợp hoạt động của các cơ quan nội chính, nhất là trong việc phát hiện, chỉ đạo xử lý dứt điểm và nghiêm minh nhiều vụ án hình sự, vụ việc hình sự. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu, đề xuất tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, vụ việc hình sự về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh trên địa bàn…
Lực lượng tuần tra trên tuyến biên giới Tây Nam
Để xứng đáng là “lá chắn vững chắc”
Đồng chí Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình an ninh biên giới, tôn giáo, dân tộc, nông thôn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố đáng lo ngại. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp ở một vài nơi còn mang tính hình thức; còn xảy ra tình trạng một số cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”…
Là địa bàn trọng điểm về dân tộc và tôn giáo nhạy cảm, có đường biên giới nên tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội còn diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề về tôn giáo, dân tộc, chủ quyền và những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của ta để chống phá. Hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức như ma túy, buôn lậu… ngày càng tinh vi. Vẫn còn cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”. Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, An Giang có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, sẽ tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của xã hội, xứng đáng là “lá chắn vững chắc”, là “thanh bảo kiếm sắc bén”[1] với mục tiêu tổng quát “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lãnh mạnh…; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”[2], ngành Nội chính Đảng tỉnh An Giang cần thực hiện tốt 6 nội dung trọng tâm sau:
Một là, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là tập trung, nghiên cứu những quan điểm, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và những chủ trương của Đảng và của tỉnh có liên quan đến công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Hai là, cần nắm vững, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các chủ trương, giải pháp kịp thời trong bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những bức xúc, khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp; không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh đấu tranh ngăn ngừa từ sớm, từ xa, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Kết hợp chặt chẽ giữa củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành, bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả. Các vấn đề còn vướng mắc, ý kiến khác nhau phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình trên cơ sở tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng.
Bốn là, tập trung điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc theo quy định pháp luật; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo với các vụ án, vụ việc giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương xã hội và cuộc sống bình yên, an toàn của nhân dân.
Năm là, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hoạt động của các cơ quan nội chính, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương.
Sáu là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, báo chí, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước; khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”; kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người đứng đầu nói riêng để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
[1] Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
[2] Trích mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.