Bảo vệ quyền lợi trẻ em, thanh, thiếu niên LGBT+

13/12/2024 - 08:00

 - Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh quan tâm phối hợp thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, các hoạt động thường tập trung vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại bạo lực, bị tai nạn thương tích. Còn một số nhóm trẻ em yếu thế khác cũng cần sự quan tâm của Nhà nước, một trong số đó là trẻ em, thanh, thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT.

Hỗ trợ học bổng học nghề cho thanh niên LGBT+

Trao niềm tin

Lê An Lin (TP. Long Xuyên) là một trong những tấm gương giàu nghị lực vừa khởi nghiệp với nghề kinh doanh đồ uống. Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, Lin lớn lên trong tình thương của bà, nỗ lực thi đậu vào đại học. Giữa năm 2023, Lin được chị Bảo Ngọc, Trưởng nhóm LGBT+ ở TP. Long Xuyên giới thiệu phi dự án “Kỹ năng thành công”. Sau khi được định hướng nghề nghiệp, em đăng ký học khóa kỹ năng mềm và nhận được học bổng tham gia khóa học kỹ năng pha chế. Tại hệ thống Anh Tuấn Coffee, Lin được dạy về kỹ năng nghề và được cung cấp nhiều kiến thức quý giá về kinh doanh đồ uống.

Cùng hoàn cảnh với Lin, em Nguyễn Bảo Quốc (TP. Châu Đốc) phải nghỉ học từ năm lớp 8, sớm vào đời mưu sinh ở các khu công nghiệp. Đại dịch COVID-19 ập đến, Quốc vừa bị mất việc, vừa đối mặt với các vấn đề sức khỏe, trong đó có chứng thoái hóa khớp hông, do mạch máu bị tắc nghẽn. May mắn, Quốc được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Châu Đốc giới thiệu vào chương trình “Kỹ năng thành công”. Học bổng nghề như một bước ngoặt, Quốc nắm lấy cơ hội và chăm chỉ học tập, giờ đã có thể kiếm tiền bằng nghề trang điểm, mong muốn tương lai sẽ trở thành chuyên gia trang điểm cô dâu.

Câu chuyện về các bạn trẻ nghị lực trong cộng đồng LGBT nối dài thêm với nhiều mô hình khác được hỗ trợ từ phi dự án “Kỹ năng thành công” triển khai trên địa bàn tỉnh. Nguyễn Thái Anh (TP. Long Xuyên) là một trong số thanh niên được hỗ trợ chia sẻ: “Nhờ được học nghề, em đã tự lập kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hành trình khởi sự kinh doanh của em được tiếp sức đúng lúc, đến nay, em thành lập được 1 studio nhỏ, hoạt động đúng sở trường của mình. Em rất biết ơn những người hỗ trợ em và những bạn cùng hoàn cảnh như em”.

Tổng vốn của phi dự án “Tiếng nói cầu vồng” hơn 3,3 tỷ đồng, viện trợ không hoàn lại. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH quản lý hơn 1,7 tỷ đồng; còn lại do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) quản lý, thực hiện. Địa điểm thực hiện phi dự án gồm: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, các trường trung cấp nghề, trường đại học trên địa bàn tỉnh. Vốn của phi dự án “Kỹ năng thành công” hơn 2,1 tỷ đồng, Sở LĐ-TB&XH quản lý, thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng, còn lại tổ chức SCI quản lý, thực hiện.

Hỗ trợ thiết thực

Tiếp nối dự án “Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang”, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục kết nối với Tổ chức SCI và tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận phi dự án “Tăng cường sự tham gia của trẻ em và thanh, thiếu niên với sự đa dạng về tính dục, giới tính trong quá trình phát triển chính sách ở Việt Nam - Tiếng nói cầu vồng” (gọi tắt là Tiếng nói cầu vồng) và mở rộng thêm nhóm đối tượng thụ hưởng là thanh, thiếu niên song tính, đồng tính, chuyển giới tiếp nhận phi dự án “Kỹ năng thành công”.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly cho biết, sau thời gian thực hiện, các hoạt động của phi dự án đã nhận về những kết quả tích cực. Đối với phi dự án “Kỹ năng thành công”, qua khảo sát hơn 300 thanh, thiếu niên LGBT, toàn tỉnh đã mở 7 khóa học kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xanh cho hơn 150 em hoàn thành được cấp chứng nhận. Đồng thời, mở 2 lớp tư vấn hướng nghiệp cho 60 thanh niên LGBT+; hỗ trợ học bổng học nghề cho 60 em; có 20 thanh niên LGBT+ được tập huấn về kỹ năng khởi sự kinh doanh và hỗ trợ 4 mô hình khởi nghiệp kinh doanh.

Đối với phi dự án “Tiếng nói cầu vồng” đã tổ chức các lớp tập huấn giáo dục giới tính dựa trên quyền trẻ em cho phụ huynh, bạn bè, người thân của người LGBT+; tập huấn công tác xã hội với người LGBT cho nhân viên xã hội, cán bộ các cơ quan tại tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc thi, hình thức tuyên truyền phong phú từ đối thoại, phiên tòa giả định, phát tài liệu; tổ chức hội thảo có sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên là người LGBT, người chăm sóc trẻ.

Cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên Trường THCS Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) - một trong những đơn vị tham gia dự án cho hay, thông thường, lứa tuổi vị thành niên thiếu kiến thức về giới tính, chăm sóc sức khỏe. Khi dự án tiếp cận đến trường học, nhờ nhiều hình thức tuyên truyền, các em có những chuyển biến tích cực về nhận thức, kỹ năng. Tại TX. Tân Châu, 2 phi dự án triển khai ở xã Vĩnh Xương và phường Long Sơn. Tuy thời gian không dài, nhưng các hoạt động đạt kết quả đáng trân trọng, tập trung phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống; hỗ trợ 1 em trong cộng đồng LGBT học nghề cắt tóc, hiện đã có việc làm tại tỉnh Bình Dương.

Tự tin thể hiện kỹ năng tay nghề sau khi khởi nghiệp

Đồng hành lan tỏa

Theo quản lý chương trình phi dự án “Tiếng nói cầu vồng” Nguyễn Lữ Gia, đây là dự án thực hiện cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có nhóm trẻ em LGBT. “Qua các cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trẻ em, thanh, thiếu niên LGBT chưa mạnh dạn bộc bạch giới tính của mình với cộng đồng để được thông cảm, chấp nhận. Trong đó, có những vấn đề về bạo lực học đường liên quan đến phân biệt giới tính và bạo lực trên cơ sở giới. Điều đáng mừng nhất phi dự án đạt được là các thanh, thiếu niên nói chung đã hiểu hơn, tôn trọng bạn và được người khác tôn trọng, đây cũng là tiền đề xây dựng môi trường thân thiện trong trường học. Ngoài có được sự tự tin, chia sẻ về bản thân, các bạn LGBT còn lan tỏa những điều tốt đẹp, tích cực về cộng đồng của mình đến những người xung quanh. Các bậc cha mẹ cũng tự tin hơn, chấp nhận và chủ động hơn trong việc bảo vệ con cái của mình” - ông Nguyễn Lữ Gia chia sẻ.

Sau 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, kinh phí dự án được quản lý sử dụng đảm bảo mục tiêu, hỗ trợ đúng đối tượng và mục đích hưởng lợi. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế bị tổn thương, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thời gian qua, công tác hỗ trợ cho trẻ em, thanh, thiếu niên cộng đồng LGBT+ gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên là về nhân sự, do có sự thay đổi (nghỉ hưu), công tác kiêm nhiệm; kế đến là về mặt pháp lý, có những yêu cầu ngoài quy định của pháp luật… dẫn đến triển khai thực hiện đôi lúc còn chậm.

Hiện nay, một số trẻ còn rụt rè, chưa dám công khai, sợ gia đình, bạn bè biết mình là người… “khác biệt”. Nguồn kinh phí dự án còn hạn chế, địa bàn rộng nên chưa bao phủ rộng khắp các đối tượng được hưởng lợi. Đến nay, 2 phi dự án đã kết thúc, nhưng các đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia đều khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các bạn LGBT+ bằng các giải pháp phù hợp trong khả năng. Với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức SCI cùng sự nhiệt tình hỗ trợ của các địa phương, cán bộ tham gia phi dự án đã được triển khai thành công và đạt hiệu quả tích cực ban đầu, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức và hành động trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT+ được tham gia đầy đủ xã hội, với sự tiếp cận bình đẳng giới với giáo dục, y tế, việc làm… thân thiện và không kỳ thị.

“Ngoài việc được học nghề, có thu nhập, các bạn thanh niên LGBT+ được hỗ trợ còn phát triển bản thân, biết tính toán kinh doanh, tự tin khi giao tiếp và làm việc với khách hàng… Đó cũng là sự tự tin ở bản thân mỗi người trẻ khi được khẳng định giá trị của mình” – anh Vũ Trung Tuấn, điều phối phi dự án “Kỹ năng thành công” khẳng định.

MỸ HẠNH