Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa ma túy

03/07/2018 - 07:32

 - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, với chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy", ngày Thế giới phòng, chống ma túy và ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26-6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động và có những giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ trẻ em trước hiểm họa ma túy.

Tại An Giang, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới, các đối tượng mua, bán ma túy từ Campuchia luôn tìm cách câu móc với đối tượng nội địa, lợi dụng An Giang là địa bàn trung chuyển lượng lớn ma túy đá từ Campuchia đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tại một số địa bàn trọng điểm như TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, các đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh như: vũ trường, quán ăn, cà phê và các cơ sở lưu trú làm nơi giao dịch các loại ma túy. Năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 110 vụ, với 227 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 57,25gr Heroin, 3.343gr Methaphetamine, 125 viên thuốc lắc...

Số người nghiện ma túy đầu năm 2018 được ghi nhận tăng lên hơn cả 1.000 người so với năm 2017, với số người nghiện đang được quản lý trên 4.330 người. Trong đó, độ tuổi dưới 16 tuổi là 15 người, từ 16-18 tuổi là 208 người, từ 18-30 tuổi là 2.949 người, từ đủ 30 tuổi trở lên là 1.158 người, trong tổng số người nghiện đã có đến 2.387 người là không có việc làm. Chính những thành phần ăn chơi lêu lỏng đang lôi kéo thanh niên khác, nhất là học sinh, sinh viên tham gia sử dụng ma túy.

Lồng ghép tuyên truyền về ma túy trong hoạt động sinh hoạt hè của thanh thiếu niên.

Chính vì vậy, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018, ngày toàn dân phòng, chống ma túy và ngày Thế giới phòng, chống ma túy (26-6), tăng cường tuyên truyền về hiểm họa ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc…), cần sa và các chất hướng thần mới để nâng cao ý thức tự phòng, ngừa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ (thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên...).

Cần có sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của cán bộ, giáo viên và học sinh về tình hình tội phạm về ma túy, hậu quả tác hại của ma túy và biện pháp phòng, chống nghiện ma túy, kiên quyết đẩy lùi tình trạng nghiện ma túy trong nhà trường, không để xuất hiện hiện tượng học sinh sử dụng ma túy trong các trường học. Trong hoạt động sinh hoạt hè, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, gia đình và xã hội, vận động cha, mẹ học sinh quản lý giáo dục con em mình.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa học sinh, nhà trường với cha, mẹ học sinh, giữa nhà trường với công an địa phương về xây dựng trường học không có ma túy, đảm bảo an toàn về an ninh trật tự. Khi nghi vấn, phát hiện học sinh nghiện hoặc sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện dưới hình thức khác phải phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường kịp thời xử lý và tổ chức cai nghiện để các em sớm từ bỏ ma túy trở lại học tập.

Các bậc phụ huynh, giáo viên cần cảnh giác với các trò chơi mới trong giới trẻ như: bóng cười, bùa lưỡi... là một dạng chất gây nghiện, tạo ảo giác, ảnh hưởng đến thần kinh của người sử dụng thường xuyên. Trong mọi hoạt động, điều quan trọng là sự quan tâm kịp thời của cha, mẹ, tránh để học sinh rơi vào cảm giác chán nản, tuyệt vọng khi gặp phải những khó khăn trong học tập hoặc các mối quan hệ sẽ dễ dẫn đến việc các em bị các thành phần xấu lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích