Tận dụng chai nhựa bỏ đi
Trời vừa hừng sáng, anh Lê Văn Tuấn (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) đã chuẩn bị đồ nghề để đi dỡ lọp cá linh, hành trang trên tay là dụng cụ đựng cá và một ít mồi làm từ cám rang. Anh Tuấn cho biết, khoảng 1 tháng nay, trừ các ngày rằm và ngày cuối tháng, hầu như ngày nào anh cũng đặt lọp để kiếm ít “cá mắm” cho bữa ăn hàng ngày. Lượng cá bắt được cũng tùy, có hôm chỉ đủ ăn trong ngày, có hôm phải đem đi bán cho bà con trong xóm.
Khi đến khu vực đã được đánh dấu từ trước, anh Tuấn cẩn thận đi xuống mé kênh, kéo 1 chiếc lọp từ dưới mặt nước lên, bên trong là một vài con cá linh. Bất ngờ ở chỗ, những chiếc lọp mà anh Tuấn sử dụng được tái chế từ các loại chai nhựa, như: dầu ăn, nước suối...
Bắt cá bằng chai nhựa là thú vui tiêu khiển trong lúc nông nhàn
Lọp là dụng cụ đánh bắt rất đơn giản, mà gần như bất cứ người dân miền Tây nào cũng biết. Công cụ đánh bắt thủy sản này thường được làm bằng tre, inox hay dây lưới với nguyên lý dụ cá, tôm chui vào nhưng không thoát ra được. Đây là dụng cụ đánh bắt cá quen thuộc của người dân miền sông nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bên cạnh những chiếc lọp truyền thống, người dân còn sáng chế ra những chiếc lọp làm bằng các loại vật dụng rẻ tiền hay bỏ đi, như: chai nước suối, nước ngọt, dầu ăn... Cá “chạy” không thua so với lọp truyền thống.
Để làm những chiếc lọp độc đáo như thế, cần sử dụng những chai nhựa loại lớn, dung tích từ 2 lít trở lên. Các chai nước được khoét nhiều lỗ nhỏ bằng những cây sắt nung nóng. Mục đích của việc này để nước chảy vào, chai sẽ nhanh chóng chìm xuống nước mà không bị trôi đi. Thân chai được cắt một đường dọc theo hình chữ “I”, sau đó cắt hình răng cưa để tạo thành hom lọp. Mỗi chiếc bình có thể làm từ 1 - 2 chiếc hom tùy theo thể tích của bình và ý muốn của người làm bẫy. Ngoài ra, còn có phương pháp khác là khoét lỗ tròn trên thân, sau đó dùng phần trên của chai nước suối (loại nhỏ) úp ngược vào trong để làm miệng hom.
Chỉ với các bước đơn giản như vậy là có thể tạo ra chiếc lọp bằng chai nhựa mà không tốn nhiều chi phí. “Các loại lọp trên thị trường có giá từ 10.000-20.000 đồng/cái. Nhiều loại chỉ sử dụng 1 năm rồi bỏ đi. Trong khi đó, những chiếc lọp làm bằng chai nhựa không tốn chi phí, có thể sử dụng nhiều năm. Đặc biệt sau khi sử dụng lại có thể bán ve chai, có thêm tiền quà vặt cho mấy đứa nhỏ” - anh Tuấn cười nói.
Thêm thu nhập lúc nhàn rỗi
Theo anh Tuấn, kinh nghiệm đặt lọp là những nơi nhiều cây cỏ, bụi rậm hay những nơi nước lặng, do đây là nơi cá thường đến kiếm ăn. Mỗi chiếc lọp khi “chạy” cá có thể thu được khoảng 100-200gr cá. Cá vô lọp có nhiều loại, như: cá sặc, cá rô... nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh. “Mỗi ngày tôi thăm lọp 2 lần, vào lúc sáng sớm và chiều mát. Với 10 cái lọp, mỗi buổi có thể kiếm được khoảng 1kg cá. Tuy không nhiều nhưng có thể giúp gia đình cải thiện bữa ăn” - anh Tuấn phấn khởi.
Cũng giống như anh Tuấn, anh Lê Minh Mãi (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) làm gần 10 chiếc lọp để đặt cá. Anh Mãi cho biết, những năm trước bà con đa phần đều có công ăn việc làm nên ít người làm nghề đánh bắt thủy sản. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, bà con không đi đâu được chỉ có thể kiếm con cá, tép về ăn. Bản thân anh làm khoảng 10 cái lọp bằng chai nhựa để đánh bắt cá cho gia đình. “Với 10 chiếc lọp, mỗi ngày tôi kiếm được 1-2kg cá, giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt cho gia đình. Hôm nào cá “chạy” thì được nhiều hơn, tôi bán lại cho bà con lân cận kiếm thêm thu nhập” - anh Mãi thông tin.
Đánh bắt thủy sản là một trong những hoạt động mưa sinh của bà con miền sông nước. Đối với nhiều người, đây còn là thú vui tiêu khiển trong lúc nông nhàn.
Hiện nay, cá linh xuất hiện nhiều, tạo điều kiện cho người dân kiếm thêm thu nhập. Cá linh huyện đầu nguồn An Phú có giá 40.000 đồng/kg đối với cá tươi; 100.000 đồng/kg đối với cá làm sẵn. Trong khi đó, đối với các địa phương khác, cá linh được bán với giá 100.000-150.000 đồng/kg (tùy loại).
|
ĐỨC TOÀN