Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp thông tin:

'Bé Hạo Nam rơi xuống móng cọc sâu 35 mét đã tử vong'

04/01/2023 - 19:57

Ròng rã suốt từ hôm 31/12/2022 đến tối nay 4.1.2023, hàng trăm con người và phương tiện cứu hộ của tỉnh Đồng Tháp, công binh Quân khu 9, các đơn vị miệt mài làm việc với hy vọng tiếp cận sớm nhất cháu Hạo Nam (10 tuổi) - người bị rơi vào móng cọc chôn sâu trong đất 35 mét. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã không xảy ra.

Gần 5 ngày liền, trước sự lo lắng và mong ngóng tin tức của gia đình bé Hạo Nam, người dân cả nước, khoảng 350 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng của tỉnh Đồng Tháp, Quân khu 9 đã làm việc không ngơi nghỉ.

18 giờ 27 phút tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp xác nhận với báo chí: bé Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống móng cọc sâu 35 mét đã tử vong.

Ông Bửu giải thích: Qua các biện pháp và trao đổi với các đơn vị chuyên môn, trao đổi với gia đình, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết xác định bé Hạo Nam đã tử vong.

Theo ông Bửu: Việc hội chẩn xác định bé mất có sự phối hợp giữa các cơ quan: pháp y - y tế - chính quyền địa phương kết hợp với những đánh giá hiện trạng tại vị trí em bé bị nạn rơi vào ống cọc với thời gian kéo dài, rơi vào độ sâu nhưng không được cứu nạn trong 4 ngày. Với độ sâu không được thông khí, chấn thương và với những đánh giá bằng các biện pháp quan sát hiện trường kết hợp với những yếu tố chuyên môn khác để tiên lượng bé sống ở giai đoạn đầu nhưng đến hiện nay thì các cơ quan chuyên môn đã có những thủ tục xác định bé Nam tử vong và đang tìm cách đưa em bé lên mặt đất để thực hiện an táng theo truyền thống.

Chị Mỹ Linh, mẹ bé Hạo Nam trong những ngày chờ tin con đã ngất xỉu nhiều lần. TRẦN NGỌC

Anh Thái Lý Tấn Tài ba bé Hạo Nam trong những ngày chờ tin con mong một phép màu. TRẦN NGỌC

Với thông tin trên, ông Bửu Việc cho biết phương án cứu hộ đối với bé bị tử vong phải được thực hiện sớm nhất để còn làm tang sự cho bé. Việc thi công để đủ kiện đưa cọc móng lên để tiếp cận với thi thể bé Hạo Nam vẫn được thực hiện gấp rút.

"Việc cứu hộ sẽ được tham khảo với các chuyên gia và đơn vị tốt nhất để sớm đưa bé Hạo Nam lên mặt đất. Việc thực hiện phương án này rất nặng nề khó khăn nhưng các đơn vị thi công sẽ dốc hết sức mình với sự trợ giúp của các chuyên gia cùng các thiết bị chuyên dụng, để làm thế nào sớm kết thúc cứu hộ", ông Bửu thông tin.

Trong suốt ngày hôm nay công tác cứu nạn cháu bé đã liên tục gặp nhiều khó khăn.

Trả lời câu hỏi vì sao có sự thay đổi thời gian hoàn thành công tác cứu hộ, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giải thích: Đối với phương án cứu hộ móng cọc bê tông mà tỉnh đang triển khai xuyên thấu tới độ sâu 35m trên một tầng đất sét ở cuối cọc. Xung quanh đó đã có những cọc đóng trước rồi nên khu vực này có độ nén đất rất lớn nên khi chúng ta khoan cọc xuống ở độ sâu 30-40m thì gặp những tầng đất rất phức tạp và rất chắc, bám dính nên việc xử lý khoan trong lồng ống chật hẹp sẽ rất khó khăn.

Sự lo âu, chung tay cầu nguyện bình an cho bé Hạo Nam được hàng trăm người bày tỏ trong bình luận dưới bài viết, hàng ngàn chia sẻ trên mạng xã hội. Ai cũng nguyện cầu điều kỳ diệu sẽ đến với bé Hạo Nam. Thế nhưng tin dữ đã đến trong tối nay và điều kỳ diệu đã không thể xảy đến.

Từ sáng đến chiều nay, hy vọng vẫn còn đó khi phương pháp khoan guồng xoắn thực hiện ở độ sâu đáy cọc bê tông khoảng 34m.

Do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn. Dự kiến, sau khi hoàn thành công tác khoan làm mềm đất, sẽ tiến hành nhổ cọc bê tông.

Trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê tông.

Các đơn vị cứu hộ rất nỗ lực, có nhiều giải pháp kỹ thuật, thay đổi và tham khảo chuyên gia liên tục. TRẦN NGỌC

Khi được báo chí hỏi về trách nhiệm của nhà thầu thi công khi xảy ra vụ tai nạn, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin chung: “Đối với công trình cầu Rọc Sen thì đơn vị giám sát, quản lý cũng có nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm việc rào chắn, gắn biển cảnh báo để kiểm soát. Tuy nhiên, đây là trường hợp tai nạn rất là hy hữu, em bé đi vào công trình vào thời điểm có những khe hở chui mà không biết được. Còn việc đảm bảo an toàn công trình, chúng tôi tìm hiểu lực lượng giám sát thì thấy anh em cũng rất quan tâm cũng có che chắn, cảnh báo nhưng tai nạn xảy ra thì đó là rủi ro ngoài ý muốn. Thế nhưng việc để xảy ra rủi ro như thế thì đó cũng là trách nhiệm của đơn vị thi công. Đến hiện nay thì tỉnh tập trung giải quyết việc cứu hộ tại hiện trường kết thúc sớm và giải quyết khó khăn cho gia đình. Còn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan đến công trình này thì cũng sẽ được cập nhật để giải quyết như thế nào cho phù hợp với quy định của luật pháp và sắp tới đây công trình vẫn còn tiếp diễn thì phải làm thế nào địa phương phải đảm bảo an toàn công trình”.

Sở GT-VT tỉnh Đồng Tháp thông tin vụ công trình cầu Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 dự án Xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT.845 do Sở GT-VT tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Đơn vị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp quản lý dự án. Giám sát thi công xây dựng là Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải và nhà thầu thi công liên danh Công ty CP Công trình cầu phà TP.HCM và công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T.

Trước đó nữa là khoảng thời gian căng thẳng tột độ trong 2 ngày 1 và 2/1/2023 khi việc thực hiện khoan rồi lồng ống vách thép được đặt vào cọc móng bê tông với phương án sẽ rút ống cọc, cứu nạn cho Hạo Nam. Khi đó, ống được rút lên bằng thiết bị chuyên dụng để kéo cọc móng lên, cứu nạn bé Nam. Lực lượng cứu hộ thì căng mình, chạy đua với thời gian. Người dân thì hồi hộp chờ mong một phép màu thần kỳ.

Bùn đất trong ống thép đang được hút lên lúc trưa nay 3/1 để cứu hộ bé Hạo Nam. TRẦN NGỌC

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Công tác cứu hộ em bé tại hiện trường, từ hôm qua đến sáng 3.1 được các đơn vị cứu hộ tập trung các biện pháp kỹ thuật đặt ống vách thép có chiều cao khoảng 14 mét, sâu xuống lòng đất bao quanh trụ ống bê tông mà bé Hạo Nam kẹt trong đó. Sau khi đặt ống, các đơn vị thi công thực hiện khoan nhồi để làm tơi đất nhằm giảm áp lực ma sát trực tiếp vào thành cọc, bơm hút đất lên để giảm áp lực ma sát đến khi thấy đủ điều kiện sẽ sử dụng thiết bị cẩu công suất lớn để rút ống này lên khỏi mặt đất để thực hiện các biện pháp cứu hộ tiếp theo".

Theo Báo Thanh Niên