(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban: Pháp luật; Tư pháp; Kinh tế; Tài chính, Ngân sách; Quốc phòng và An ninh; Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh các dự án luật, các báo cáo giám sát, dự kiến các chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 để gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời gian quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, gửi Thông báo Kết luận phiên họp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan để kịp thời có căn cứ hoàn thiện các nội dung kỳ họp.
Đối với hai dự án Luật mà Chính phủ chưa chuẩn bị kịp để trình tại phiên họp này, gồm: Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch (hay còn gọi là một luật sửa 13 luật), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban có liên quan phối hợp chặt chẽ với Chính phủ khẩn trương chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 tới.
Phiên họp thứ 24 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (dự kiến sẽ họp từ ngày 14 đến 16-5), sẽ là phiên họp cuối để cho ý kiến các nội dung trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Phiên họp này tập trung cho ý kiến nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; ý kiến, kiến nghị cử tri và một số dự án luật, nghị quyết cũng như một số vấn đề quan trọng khác.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình để đảm bảo chất lượng các nội dung, cũng như các công tác khác nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp thứ 5.
Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, để đảm bảo sự chặt chẽ pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản tác động đến rất đông người dân, doanh nghiệp nên phải thận trọng khi ban hành.
Qua nghe tờ trình Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến, Thường vụ Quốc hội cho rằng về phạm vi điều chỉnh dự án luật này, để thống nhất với mục tiêu ban đầu là sửa 28 luật để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch nên lần này chỉ sửa 11 điều của Luật Xây dựng và 8 điều của Luật Quy hoạch đô thị để phù hợp với Luật Quy hoạch theo đúng mục tiêu ban đầu của chương trình xây dựng luật đã dự kiến.
Cùng với đó, các điều khác của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều quan điểm, cơ chế, chính sách mới thì cần được tổng kết, đánh giá và được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện và sẽ được xem xét tại 2 kỳ họp, nếu Chính phủ rà soát, chuẩn bị tốt thì có thể xem xét tại kỳ họp sau đối với từng luật một.
Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh tờ trình và dự án luật, có thể theo phương án có một tờ trình chung trình ra sửa 13 luật, gồm 10 luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang là cơ quan soạn thảo, cộng với 2 luật của Bộ Xây dựng, cộng thêm Luật Đầu tư là 13 luật, để xem xét và chỉ phục vụ cho mục tiêu để phù hợp với Luật Quy hoạch...
Trên tinh thần đó, nếu được sẽ xem xét tại Phiên họp thứ 24, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một luật sửa 13 luật và giao cho Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra chính thức và trình ra Quốc hội.
Theo TTXVN