Bệnh viện K đã điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch

08/10/2018 - 19:28

Ngày 8-10, Bệnh viện K đã tổ chức họp báo thông tin thêm về liệu pháp điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch, nghiên cứu của hai nhà khoa học vừa được Giải Nobel Y học 2018, đang được dư luận quan tâm.

Tiến sỹ Lê Văn Quảng - Phó giám đốc Bệnh viện K phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với việc xác định protein thứ hai trong tế bào miền dịch, hoạt động như một bộ "hãm phanh" để ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, công trình nghiên cứu của nhà khoa học Nhật Bản Tasuku Honjo vừa đoạt giải Nobel Y học 2018.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Quảng - Phó giám đốc Bệnh viện K cho hay, phương thức điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước trong những năm gần đây.

Tại bệnh viện K đã có hàng chục bệnh nhân được áp dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư - nghiên cứu của hai nhà khoa học vừa được Giải Nobel Y học 2018. Điều đặc biệt là hầu hết các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K sau quá trình điều trị cho kết quả bước đầu khả quan.

Theo phó giáo sư Quảng, cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch.

Từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, Bệnh viện K chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư. 

Bác sỹ Đào Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện K) cho hay, mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u.

Thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (di căn), với các loại ung thư: hắc tố, ung thư phổi, đường tiết niệu, thận, bàng quang, đầu cổ, gan, phụ khoa…

Bác sỹ Tú dẫn chứng về một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối điều trị liệu pháp miễn dịch với kết quả khá tốt. Trước kia, bệnh nhân tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng, tuy nhiên sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch bệnh nhân đã duy trì đến thời điểm này hơn 1 năm và bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị. 

Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng khác cũng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảm.

Ở Việt Nam, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện. Tuy nhiên, chi phí cho một chu kỳ điều trị bằng phương pháp miễn dịch lớn, khoảng 60-120 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một chu kỳ điều trị của bệnh nhân kéo dài khoảng 21 ngày.

Theo các bác sỹ, các thuốc ức chế chốt kiểm đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới từ việc cố gắng mở rộng chỉ định điều trị đối với nhiều loại ung thư khác nhau, nhiều giai đoạn bệnh khác nhau từ giai đoạn khu trú tại chỗ đến giai đoạn di căn, từ sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch với nhau, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống như kết hợp với hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên cần thêm thời gian để các nghiên cứu lâm sàng kết thúc và kết quả của các nghiên cứu được công bố.

Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. 

Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 164.000 trường hợp mới mắc bệnh ung thư, tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và hơn 114.000 ca tử vong do ung thư, Tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. 

Điều đáng lưu ý là có tới 60% người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ.Trong lĩnh vực điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua. Khái niệm điều trị miễn dịch rất đơn giản là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Phương thức điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước trong những năm gần đây.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố giai đoạn muộn vào năm 2011. Trước đó, tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng, tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống thêm theo năm. 

Chỉ 3 tháng sau FDA đã mở rộng chỉ định cho ung thư phổi giai đoạn muộn. Tính đến nay, các thuốc ưc chế chốt kiểm miễn dịch Nivolumab, Ipilimumab, Pembrolizumab, Atezolimumab, Durvalumab đã được FDA phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư biểu mô đường niệu, ung thư dạ dày, u lympho, ung thư gan. Mỗi thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh có thể điều trị.

Theo THÙY GIANG (VIETNAM+)