Chuồng nuôi dê của hộ bà Nguyễn Thị Huê
Theo bà Nhiều, hộ bà Nguyễn Thị Huê (sinh năm 1961) chăn nuôi dê trên 30 con, số lượng tăng dần. Chuồng trại chăn nuôi cất gần nhà của nhiều hộ dân. Vấn đề nằm ở chỗ, bà Huê chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường, phát sinh hôi thối từ chất thải của dê và thức ăn thừa hàng ngày. Đàn dê gây tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của bà con, mà bà Nhiều là người phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nhất.
“Lúc bà Huê mới xây chuồng cặp vách nhà, tôi đã báo chính quyền địa phương, nhưng họ không can thiệp kịp thời, để đến khi bà Huê đem dê về nuôi thì mọi việc đã rồi. Rất nhiều lần, bà con chúng tôi làm đơn gửi Ban Nhân dân ấp Phú Trung. Nơi đây hòa giải, động viên chúng tôi thông cảm, bỏ qua vì tình làng nghĩa xóm. Tôi không thống nhất, bởi chuồng dê nằm sát vách nhà tôi, tôi phải hứng chịu mỗi ngày rất khổ sở. Tôi gửi đơn đến UBND xã, ngành chức năng, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vì sức khỏe của cộng đồng, vì môi trường xanh - sạch - đẹp, tôi yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương buộc bà Huê di dời chuồng dê đi nơi khác, không được nuôi trong khu dân cư” - bà Nhiều đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Phú Thành cho biết, ngay sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nhiều, địa phương đã thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra hiện trạng chuồng nuôi dê của bà Nguyễn Thị Huê. Kết quả ghi nhận, bà Huê đang nuôi 21 con dê. Chuồng trại là sàn gỗ có lót lưới dưới sàn, dưới nền đất láng xi-măng để vệ sinh, thu gom phân xử lý hàng ngày; có đặt đường ống thoát nước thải ra xa 16m, bên cạnh xây bức tường cao khoảng 2,2m cặp ranh đất với bà Nguyễn Thị Nhiều để hạn chế mùi hôi.
Qua trao đổi của đoàn công tác, bà Huê cam kết trong thời gian nuôi dê sẽ thực hiện một số nội dung sau: Hàng ngày vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, rải vôi khử mùi hôi; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi và các chất thải chăn nuôi khác phù hợp vệ sinh phòng, chống dịch, không gây mùi hôi ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Thời gian tới, bà sẽ tìm chỗ để di dời chuồng dê ra xa nhà, tránh ảnh hưởng đến mọi người.
Đoàn công tác nhận xét, thực tế bà Huê cất chuồng nuôi dê quá gần nhà dân nên ít nhiều ảnh hưởng mùi hôi và tiếng ồn, gây khó chịu đến những người xung quanh. Tuy nhiên, hiện gia đình bà Huê thuộc diện khó khăn, người thân cho vốn để chăn nuôi cải thiện cuộc sống và nuôi con cháu nhỏ. Mặt khác, bà cũng không còn đất để di dời. UBND xã yêu cầu bà Huê trước mắt thực hiện đúng như lời cam kết với đoàn công tác, nếu bà không thực hiện thì xã sẽ xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành liên quan cùng UBND xã Phú Thành đến kiểm tra thực tế chuồng trại chăn nuôi dê của hộ bà Huê theo đơn phản ánh của các hộ dân, sẽ có kết quả giải quyết vụ việc cụ thể trong thời gian tới.
Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ năm 2020) quy định 2 loại hình chăn nuôi, gồm chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Trong đó, chăn nuôi nông hộ là chăn nuôi của hộ gia đình, có dưới 10 đơn vị vật nuôi. Chăn nuôi trang trại là chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất - kinh doanh; có từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên. Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm; theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính.
Điều 12 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, trong đó “chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường”. Khoản 2, Điều 24 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi, đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép, mức phạt từ 2-3 triệu đồng; đồng thời buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Vì vậy, rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm giải quyết dứt điểm vụ việc trên, đảm bảo môi trường sinh sống cho người dân trong khu dân cư lẫn phát triển sinh kế hộ gia đình của bà Huê.
K.N