Theo bà Hương, khoảng 21 giờ ngày 20-9-2017, chị V.T.A.X. (sinh năm 1994, con gái bà) bị tai nạn giao thông do một xe máy khác va quẹt, được người dân đưa vào Trạm Y tế Bình Hòa nẹp tạm 2 thanh gỗ. Hơn 22 giờ, khi chuyển đến BVĐKTTAG, X. được đo điện tim, siêu âm, chụp X-quang, truyền nước biển, tiêm thuốc... và nẹp chân lại. Khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau, X. được chuyển tới lầu 5 phòng C16. Lúc này, không có bác sĩ thăm khám, chỉ định truyền nước và uống thuốc, X. bị nôn ói liên tục và đau nhức chân.
Nhiều giờ sau đó, bác sĩ vẫn không thăm khám, chỉ có y tá đo huyết áp, đưa 4 viên thuốc, dặn uống sáng - chiều. Khoảng 17 giờ cùng ngày, X. lại được chuyển qua khu B phòng 519, nằm chờ trong đau đớn. Hơn 8 giờ sáng hôm sau, bác sĩ đến thăm khám, cho hay chân của X. đã bị hoại tử.
“Từ 9 giờ đến 15 giờ, ca mổ của X. mới xong. Bác sĩ trao đổi với vợ chồng tôi rằng, chân X. có khả năng bị hư trên 90%, cần chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Chúng tôi đồng ý chuyển đi, nhưng vẫn muốn biết: gần 2 ngày nhập viện, tại sao bác sĩ không kiểm tra và thăm khám kỹ, để rồi bảo chân con tôi bị hoại tử? Bác sĩ chỉ trả lời “do gãy xương, đâm đứt mạch máu” và không giải thích gì thêm.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ đề nghị chúng tôi ký cam kết đồng ý cắt chân phải để cứu tính mạng của X. Sau cas phẫu thuật, X. phải nằm viện đến ngày 31-10-2017. Hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 12, X. nghỉ học đi làm công nhân phụ giúp gia đình. Vụ việc không may xảy ra, thật sự là cú sốc cho X. và cả nhà.
Hàng ngày, nhìn con đau đớn, ăn ngủ hay đi đứng không được, sức khỏe suy giảm, tàn tật, mất hết tương lai khi tuổi đời còn quá trẻ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi yêu cầu BVĐKTTAG phải có trách nhiệm trong sự việc này, biết sai và sửa sai, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho con gái tôi, phần nào xoa dịu nỗi đau cho cháu” - bà Hương bức xúc.
Trò chuyện với phóng viên, X. không giấu được nét đượm buồn trên gương mặt: “Đến nay, đã hơn 3 tháng điều trị nhưng vết thương vẫn còn đau. Tôi cứ hay giật bắn người lên, rất khó ngủ. Khi ngủ, phải kê chân lên cao, rất mỏi, không sao chịu được.Trong sinh hoạt hàng ngày, tôi rất khó di chuyển, chỉ nằm và ngồi thôi”.
Ảnh: V.T.A.X
Sau khi nhận được phản ánh của bà Hương, Giám đốc BVĐKTTAG ra quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn, phân tích các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân. Theo đó, lúc 22 giờ 30 phút ngày 20-9-2017, Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân V.T.A.X. vào viện, với lý do đa chấn thương vì bị tai nạn giao thông.
Bệnh nhân có uống rượu (nồng độ Alcool trong máu rất cao - 1.671g/l); mạch 110 lần/phút; huyết áp 80/50mmHg; người bệnh lừ đừ, tiếp xúc chậm; da viêm hồng, xây xát cằm và hông trái; đùi bên phải sưng nề, mạch mu chân rõ, chi hồng ấm; gãy xương đoạn 1/3 dưới đùi (P).
Việc tiếp nhận, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân là đúng quy trình, đúng chẩn đoán. Lúc vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân có tình trạng sốc chấn thương nguy cơ đe dọa tính mạng, lại có nồng độ cồn cao, nên được điều trị tích cực ngay từ đầu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Chấn thương chỉnh hình để điều trị gãy xương. Việc X. nôn ói liên tục là hậu quả của việc uống rượu quá say của ngày hôm trước.
Bệnh nhân vừa thoát cơn sốc chấn thương, đã dùng quá nhiều thuốc trong đêm cấp cứu, nên sáng hôm sau, bác sĩ chỉ cần cho thuốc giảm đau và chờ lên lịch mổ. Việc phẫu thuật kết hợp xương gãy cần phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các xét nghiệm cận lân sàng và một số thủ thuật khác.
Sáng 22-9, khi phát hiện có dấu hiệu thiếu máu ở đầu chi, các bác sĩ đã khẩn trương phẫu thuật kết hợp xương, khâu nối mạch máu. Sau mổ, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hy vọng có thể dùng những phương tiện tối tân hơn nhằm bảo tồn chi tổn thương. Tuy nhiên, do tổn thương quá nặng, phải cắt cụt chi để cứu lấy tính mạng cho bệnh nhân.
Về nguyên nhân chủ quan, Hội đồng chuyên môn kết luận: đây là trường hợp khó, sự thiếu máu phía dưới tổn thương tiến triển chậm, nên trên lâm sàng không phát hiện sớm việc có tổn thương mạch máu, diễn biến ngoài dự đoán của thầy thuốc, hoàn toàn không có việc vô cảm trước nỗi đau của gia đình. Mặt khác, do việc điều trị gãy xương ở khoa là thường xuyên, dấu hiệu đau vùng xương gãy là triệu chứng thường quy, nên chỉ sử dụng thuốc giảm đau, ít có vấn đề gì phức tạp.
Vì thế, nhân viên y tế đã thiếu tư vấn, giải thích rõ trong chẩn đoán và xử trí trường hợp này để gia đình hiểu, có thái độ thông cảm tốt hơn trong công tác điều trị. Dù vậy, Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, vận chuyển, thăm hỏi X. trong thời gian qua. Còn việc khắc phục hậu quả đối với chấn thương của bệnh nhân là trách nhiệm của người gây tai nạn đã bỏ trốn (như lời trình bày của bà); cơ quan chức năng có trách nhiệm truy tìm, xác minh, xử lý đối tượng trên
Phía bà Hương đề nghị BVĐKTTAG bồi thường 400 triệu đồng và 100 triệu đồng chi phí lắp chân giả. Được biết, Thanh tra Sở Y tế đã mời bà Hương đến làm việc, trao đổi rằng phía BVĐKTTAG chỉ hỗ trợ 200 triệu đồng và lắp chân giả. Bà Hương không thống nhất, muốn khởi kiện ra tòa. Vụ việc đang được ngành chuyên môn xác minh, giải quyết theo quy định. |
Bài, ảnh: K.N