Có rất nhiều nguyên nhân gây chậm nói ở trẻ, nhưng 3 nguyên nhân lớn nhất được chúng tôi liệt kê dưới đây.
Đầu tiên là do yếu tố di truyền, nghĩa là nếu trong gia đình có người thân bị chậm nói hoặc có vấn đề về ngôn ngữ, trẻ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng gen di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Môi trường sống và cách gia đình tương tác với trẻ cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ. Trẻ em sống trong môi trường thiếu sự kích thích ngôn ngữ, ít được nói chuyện, đọc sách hay chơi đùa sẽ có nguy cơ cao gặp vấn đề chậm nói.
Những vấn đề thể chất như suy giảm chức năng vòm miệng, hay nhiễm trùng tai hoặc mất thính lực, đều là tác nhân khiến trẻ khó tiếp thu và phát triển ngôn ngữ. Ba mẹ nên cho con tiếp xúc với các loại đồ chơi phát ra âm thanh từ sớm để kiểm tra khả năng nghe, nói nhằm kịp thời đưa con đến bệnh viện nếu có các vấn đề trên. Ngoài ra, các vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như tự kỷ hoặc các rối loạn chức năng khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Vậy, làm thế nào để trẻ không gặp vấn đề chậm nói? Một trong những cách hiệu quả nhất đó là thường xuyên nói chuyện với con. Ba mẹ nên tạo ra những cuộc trò chuyện đơn giản, nhẹ nhàng và lặp lại nhiều lần để trẻ có thể dễ dàng nắm bắt và học hỏi. Đặc biệt, bạn nên chú trọng vào việc hướng dẫn con nói lên cảm xúc của bản thân, ví dụ:
- Sao con lại khóc? Con thấy tủi thân à?
- Sao con lại giận thế? Vì ba quên lấy sữa cho con à?
- Con đói bụng rồi à? Con lặp lại theo mẹ nào, đói… bụng… Đúng rồi! Con của mẹ giỏi quá!
Việc gọi tên được trạng thái của mình, đồng thời được liên tục tương tác với ba mẹ sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Hơn nữa, khi được phụ huynh chú tâm đáp lại con sẽ yêu thích việc nói chuyện hơn.
Bạn có biết, sách luôn là bạn đồng hành tuyệt vời trong quá trình phát triển của trẻ không? Sách vừa giúp con có thêm vốn từ vừa kích thích khả năng ngôn ngữ của con đấy. Khi đọc sách, ba mẹ nên dùng giọng điệu, biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ, hay thậm chí là âm thanh đặc trưng của con vật đó để làm cho câu chuyện trở nên sống động hơn. Nếu bạn vẫn chưa quen cách tạo ra âm thanh đặc biệt để thu hút sự chú ý của con thì có thể chọn những cuốn sách có tích hợp âm thanh và âm nhạc. Đồ chơi âm nhạc có đa dạng chủ đề, kết hợp với giọng đọc và âm thanh vui nhộn sẽ kích thích mong muốn khám phá của trẻ..
Bên cạnh đó, các món đồ chơi trẻ em cũng yêu cầu sự tương tác rất cao cả về hành động lẫn lời nói. Ví dụ, khi chơi búp bê, gấu bông hay robot, con sẽ tự tưởng tượng ra nhiều câu chuyện kỳ thú và có nhu cầu được kể chuyện, đồng thời nhập vai vào chính nhân vật ấy; hoặc các món đồ chơi có tích hợp âm thanh trò chuyện sẽ kích thích mong muốn được nói chuyện để tương tác và phản hồi.
Yếu tố giúp phát triển ngôn ngữ cuối cùng là tương tác xã hội. Ba mẹ nên đồng hành cùng con trong các hoạt động nhóm. Khi được đi với phụ huynh, trẻ sẽ bớt rụt rè và có thể tham gia chơi với bạn bè trong các câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi. Những hoạt động này giúp trẻ học cách giao tiếp, lắng nghe và phản hồi, từ đó phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Những bí quyết trên sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi ba mẹ có thể sớm phát hiện ra vấn đề chậm nói ở con trẻ. Vậy nên, ba mẹ hãy quan tâm và chú ý kỹ lưỡng đến con, tạo ra một môi trường lành mạnh để bé phát triển không chỉ về ngôn ngữ mà còn nhiều kỹ năng khác.
Bài, ảnh: P.V