Bị tai nạn lao động được thụ hưởng chế độ thương binh?

17/05/2018 - 06:51

 - Thấy người quen đi bắt tắc kè rồi bị tai nạn nhưng sau đó lại được thụ hưởng chế độ thương binh nên có người thông tin, kiến nghị địa phương làm rõ sự việc. Vấn đề không được xem xét, ông này làm đơn tố cáo gửi đến ngành chức năng để giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Phước (67 tuổi, khóm An Hòa A, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) cho biết: “Tôi tham gia cách mạng từ năm 1967 ở núi Dài lớn, đến năm 1978 làm xã đội phó xã Ba Chúc. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mai Văn Viên (khoảng 60 tuổi, ngụ khóm An Hòa A) có tham gia làm trinh sát ở địa phương, được vài tháng thì nghỉ.

Năm 1979, ông Viên đi núi bắt tắc kè đem về bán nuôi sống gia đình. Vào 1 ngày đi săn bắt, ông đạp trái nổ trúng vào chân, được những người cùng đi đưa cấp cứu ở trạm xá.

Bà con ở đây đều biết, nhất là đối với người đi cùng nay còn sống. Gần đây, một số người thấy ông Viên đi nhận tiền chế độ thương binh nên thắc mắc, không biết hỏi ai. Thông tin cho địa phương nhưng không trả lời.

Khi chúng tôi làm đơn gửi lên huyện, sự việc chỉ được hỏi qua loa, rồi không xem xét, giải quyết cho đến bây giờ. Tôi và một số anh, em hưởng chế độ thương binh ở đây kiến nghị, Nhà nước làm rõ việc ông Viên khai nhận không đúng để hưởng chế độ, thật sự không bị thương tích do tham gia hoạt động cho cách mạng”.

Bị tai nạn lao động được thụ hưởng chế độ thương binh?

Ông Nguyễn Văn Phước

Về việc này, ông Trần Văn Liệt (gia đình liệt sĩ, khóm An Hòa A) sống cố cựu ở địa phương cho biết: “Sự việc dù đã khá lâu nhưng bà con ở đây vẫn còn nhớ, nhất là những người cùng đi săn bắt lúc đó, hiện còn sống.

Hôm đó, cùng đi bắt tắc kè với ông Viên và ông Khánh (anh ruột ông Viên) còn có các ông: Đúng, Oanh, Út Thảo… hiện sinh sống ở địa phương, biết rõ việc này”. Tìm gặp những “người trong cuộc”, khi đề cập về vấn đề trên họ tường thuật lại sự việc nhưng đề nghị không nêu tên.

Họ cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng vào cuộc, bởi việc này nhiều người ở đây biết: “Sáng hôm ấy, nhóm chúng tôi leo lên điện (hang) Cây Xoài (núi Dài lớn), mỗi người tự tìm một hướng để săn bắt tắc kè.

Đi được một đoạn, thấy bóng ông Viên trèo lên một gò đá, liền ngay đó nghe tiếng nổ lớn. biết là nguy hiểm, chúng tôi xúm lại thấy người ông có máu, ngất xỉu nên liền xốc lên đưa nạn nhân xuống núi. Lúc này, không chỉ chúng tôi mà nhiều người cùng đi đến trạm xá để cấp cứu cho ông Viên.

Sau đó, sức khỏe ông Viên trở lại bình thường, nhiều năm làm nghề chạy xe honda đưa rước khách mưu sinh. Sự việc này coi như là tai nạn lao động, nhưng ông Viên được hưởng chế độ thương binh, đề nghị làm rõ sự việc để trấn an thông tin trái chiều”.

Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn cho biết: “Tố cáo của ông Nguyễn Văn Phước về trường hợp ông Mai Văn Viên hưởng chế độ thương binh đang được chúng tôi xác minh, đối chứng các chứng cứ, thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật. Sự việc đang tiếp tục làm rõ, bảo đảm tính chân thực và sẽ có kết luận cụ thể”.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: xem xét, quyết định hưởng chế độ thương binh, người có công dù thẩm tra, xác minh nghiêm ngặt nhưng thi thoảng vẫn xảy ra khiếu nại, tố cáo. Vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Phước đã được chúng tôi ghi nhận, xem xét nắm sự việc. Theo quy định, việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện phân công bộ phận thanh tra thụ lý, tham mưu cho UBND xem xét, giải quyết”.

Bài, ảnh: N.R