Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân trực tiếp khảo sát khu vực sạt lở trên tuyến QL.91
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy về công tác triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục sạt lở của địa phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Trần Thanh Nhã cho biết, ngay sau khi xuất hiện vết răn nứt trên tuyến QL.91 cách vị trí sạt lở xảy ra vào tháng 8-2019 khoảng 80m, huyện đã bố trí lực lượng ứng trực theo dõi tình hình, khoanh vùng rào chắn bảo vệ, rà soát ngay số hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng và lên phương án di dời. Do đó, khi sạt lở xảy ra đã không gây ảnh hưởng tính mạng và tài sản của người dân.
Huyện đã thống kê có 29 hộ và 16 lều trại dọc sông Hậu nằm trong vùng cảnh báo sạt lở (phạm vi 2.000m theo Quyết định số 1174/QĐ-UBND, ngày 25-5-2020 của UBND tỉnh An Giang về tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng QL.91) phải di dời. Đối với những hộ dân không có đất di dời, huyện dự kiến sẽ bố trí tạm thời vào cụm tuyến dân cư vượt lũ xã Bình Long. Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong khu vực đi lại, huyện đang khảo sát, rà soát làm tuyến đường dân sinh, với chiều dài khoảng 1,2km (mặt đường 5m, lề mỗi bên 1m) tại vị trí phía dưới bến đò Thanh Bình khoảng 100m, để đi vào đường tránh QL.91 mới.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân chỉ đạo huyện Châu Phú các biện pháp ứng phó sạt lở
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân biểu dương tinh thần chủ động ứng phó sạt lở của các ngành, các cấp huyện Châu Phú. Để bảo vệ an toàn tuyệt tối tính mạng và tài sản của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân đề nghị huyện Châu Phú nhanh chóng di dời 29 hộ dân và các lều trại ra khỏi khu vực nguy hiểm, phải đảm bảo các điều kiện sinh hoạt đời sống. Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với 2 kiến nghị của huyện Châu Phú về đề xuất xây dựng cụm tuyến dân cư để các hộ dân ổn định cuộc sống và kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí để làm tuyến đường dân sinh cho người dân lưu thông.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu huyện Châu Phú tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, không để xảy ra bị động bất ngờ do chủ quan. Cùng với đó, phải chăm lo cho các lực lượng làm nhiệm vụ túc trực tại hiện trường sạt lở. Về lâu dài, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Châu Phú thống kê số lượng các hộ dân sống trong khu vực có khả năng sạt lở và chia thành từng nhóm, lên kế hoạch phân chia thời gian để dần di dời đến những khu vực không có nguy cơ.
Hiện trường vụ sạt lở
Trước đó, sáng 23-5, mặt đường QL. 91 cũ, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ (cách vị trí sạt lở xảy ra vào tháng 8-2019 khoảng 80 mét về hướng TP. Long Xuyên) xuất hiện vết răn nứt, với chiều dài khoảng 20m, bề rộng vết răn nứt từ 0,1 – 0,4cm. Trong 3 ngày tiếp theo sau đó, vị trí răn nứt mở rộng từ 2,5 - 3cm. Đến 5 giờ 30 phút sáng nay, tại vị trí răn nứt đã xảy ra sạt lở, 1/3 mặt đường nhựa, với chiều dài hơn 40m sụp hoàn toàn xuống sông Hậu.
MỸ LINH - TRỌNG TÍN