Biến chứng da ở người tiểu đường

16/11/2018 - 08:34

 - Hỏi: tôi bị tiểu đường type 2 được 3 năm. Gần đây thấy da khô ngứa mãi không đỡ, tôi đi khám và được chẩn đoán mắc biến chứng tiểu đường trên da. Tại sao tôi lại bị biến chứng này? Muốn chữa bệnh da tiểu đường thì làm thế nào?

THÁI THỌ (TP. Châu Đốc)

ThS. BS Lê Minh Uy, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang:

Biến chứng da ở người tiểu đường là một biến chứng rất phổ biến, xuất phát từ nguyên nhân đường huyết tăng cao. Đó là hệ quả của tổn thương mạch máu và hệ thần kinh do đường huyết cao gây ra. Biểu hiện thường gặp là da ít tiết mồ hôi, khiến da bị khô, cứng, móng chân, móng tay dễ gãy. Lưu lượng máu tới da giảm, làm da sừng hóa và dễ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, gây ngứa ngáy khó chịu. Tất cả những tổn thương này thường xảy ra cùng lúc, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tùy theo triệu chứng mà bệnh da tiểu đường sẽ được điều trị theo cách khác nhau. Nếu nhiễm nấm, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc kháng nấm. Trường hợp ngứa da dùng thuốc kháng histamine… Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn, không xử lý được nguyên nhân gây ra biến chứng trên da. Do vậy, ngoài việc dùng thuốc do bác sĩ da liễu kê đơn, bạn cần kết hợp thêm với các giải pháp sau:

+ Thuốc điều trị: được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường là thuốc tiêm insulin hoặc thuốc uống hạ đường huyết. Bác sĩ sẽ quyết định việc sử dụng loại thuốc nào phù hợp và hiệu quả nhất với tình trạng bệnh ở mỗi người.

+ Ăn, uống khoa học: người bệnh cần tránh những thực phẩm chứa nhiều đường, dễ làm tăng đường huyết như: bánh kẹo, chè, mứt, nước ngọt, đồ uống có gas… Hạn chế ăn muối và chất béo. Tăng rau xanh, chất xơ trong mỗi bữa ăn và cắt giảm bớt các sản phẩm từ động vật. Ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, nấu canh thay vì xào, quay, rán. Không nên ăn quá no hay quá đói vì có thể làm đường huyết tăng cao hoặc hạ thấp đột ngột. Nên chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày với khoảng 3 bữa chính và 3 bữa phụ.

+ Tập thể dục mỗi ngày: tập thể dục làm giảm đề kháng insulin và cải thiện chỉ số đường huyết. Đồng thời, giúp người bệnh tiểu đường duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và giảm cholesterol máu, phòng ngừa các biến chứng trên tim mạch. Có rất nhiều cách vận động cơ thể mà người bệnh có thể lựa chọn như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội hay đạp xe… Chỉ với khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần cho việc tập luyện, bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

+ Thảo dược với bệnh đái tháo đường: nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy, các hoạt chất sinh học có trong một số loại thảo dược, có khả năng tăng cường chức năng tuyến tụy, làm tăng độ nhạy cảm của insulin, giảm stress ô-xy hóa. Vì thế, nó duy trì sự toàn vẹn của tất cả các cơ quan, hệ thống.

Ngoài ra, cần duy trì lối sống lành mạnh như: tập thể dục hàng ngày, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá. Giữ ẩm cho da, nếu da bị khô nên dùng kem dưỡng hàng ngày.Sử dụng thêm sản phẩm chuyên biệt dưỡng da, dưỡng não, thần kinh. Phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng, tránh các hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thông tin thêm, các biến chứng thường gặp là:

+ Bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở người bệnh đái tháo đường. Do vậy, với người bệnh bị tăng huyết áp, cần kiểm soát huyết áp < 130/80mmHg để phòng ngừa rủi ro.

+ Bệnh thận do đái tháo đường: tổn thương mạch máu nhỏ làm cho thận hoạt động không hiệu quả và cuối cùng là suy thận.

+ Bệnh thần kinh: tiểu đường có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn chức năng cương dương và nhiều chức năng khác.

+ Bệnh võng mạc do đái tháo đường: gây giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa.

Đỗ Minh Thọ, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang:

Tiểu đường là căn bệnh cần phải điều trị lâu dài. Một khi đã mắc bệnh là bạn phải coi là “bạn đồng hành” cả đời. Không những thế, điều trị bệnh không phải là chữa một thứ duy nhất, mà phải điều trị tổng hợp, toàn diện. Cách tốt hơn hết là mọi người nên triệt để phòng bệnh, bắt đầu từ việc hạn chế đồ ngọt. Vì vậy, người bệnh cần phải đặc biệt chú ý đến việc ăn uống, tập luyện và uống thuốc một cách khoa học, toàn diện. Muốn kéo dài tuổi thọ bao nhiêu, bạn phải nghiêm túc chăm sóc sức khỏe bấy nhiêu.

Sau đây là công thức “vàng” dành cho người mắc bệnh, muốn phòng bệnh cũng cần tham khảo: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh; duy trì việc tập thể dục hợp lý; kiểm tra sức khỏe định kỳ; dùng thuốc đúng; kiểm tra sức khỏe bàn chân.

GIA KHÁNH (Tổng hợp)