Biến đổi khí hậu làm suy giảm sự đa dạng của sinh vật biển gần xích đạo

09/04/2021 - 13:38

Nghiên cứu được công bố hôm 5-4 cho thấy, tổng số loài sống dưới biển đã giảm khoảng một nửa trong 40 năm tính đến năm 2010 ở các vùng biển nhiệt đới trên toàn thế giới. Trong thời gian đó, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới đã tăng gần 0,2 độ C.

Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà địa lý sinh học Chhaya Chaudhary, Đại học Goethe, cho biết: “Biến đổi khí hậu đang tác động đến sự phân bố đa dạng của các loài sinh vật biển”.

Ngoài yếu tố đánh bắt quá mức đã ảnh hưởng đến các loài nhiệt đới, nghiên cứu vừa được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa sự suy giảm loài và nhiệt độ tăng.

Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, sự ấm lên của đại dương đang khiến một số loài di cư đến vùng nước mát hơn, nghiên cứu mới cố gắng đánh giá tác động đó trên diện rộng hơn bằng cách phân tích dữ liệu về 48.661 loài sinh vật biển bao gồm cá, động vật thân mềm, chim và san hô kể từ năm 1955.

Một quần thể san hô trên bờ biển Havana, Cuba, ngày 28-3. Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học cho biết, tập dữ liệu là một mẫu đại diện của 20% các loài sinh vật biển sống ở vùng nước mở và đáy biển.

Theo nghiên cứu, số lượng các loài gắn liền với đáy biển vẫn ổn định ở vùng nhiệt đới giữa những năm 1970 và 2010. Một số cũng được tìm thấy ngoài vùng nhiệt đới, cho thấy chúng đã mở rộng phạm vi của mình. Nói cách khác, các nhà khoa học cho biết, những loài có thể di chuyển thì đang di chuyển. Đối với các loài cố định như san hô thì di chuyển không phải là một lựa chọn.

Tiến sĩ Sebastian Ferse, nhà sinh thái học tại Trung tâm nghiên cứu biển nhiệt đới Leibniz, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Một trong những câu hỏi lớn là liệu các rạn san hô và loài san hô có thể di chuyển về phía bắc hoặc nam đủ nhanh để thích nghi với biến đổi khí hậu không?”.

Việc các đàn cá và những loài bơi lội khác chuyển nhanh đến các vùng nước ôn hòa hơn có thể tàn phá hệ sinh thái san hô mà chúng để lại.

Ông Stuart Pimm, nhà khoa học bảo tồn tại Đại học Duke, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, những thay đổi như vậy “có thể có tác động thực sự lớn đến một số cộng đồng con người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh”.

Theo HOA LAN (Báo Nhân Dân)