Blockchain có thể xử lý tình trạng tin giả mạo

19/03/2021 - 13:58

Hãng Gartner (hãng tư vấn và nghiên cứu toàn cầu cung cấp thông tin, tư vấn, công cụ cho các doanh nghiệp về công nghệ thông tin) dự đoán, vào năm 2022, phần lớn người dùng ở các nền kinh tế phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin sai lệch.

Cùng sự phát triển của mạng xã hội, việc sử dụng các phương tiện truyền thông thông qua mạng xã hội để kết nối đang tăng mạnh, trở thành cơ hội cho những kẻ lừa đảo kỹ thuật số. Các nhà nghiên cứu khẳng định, mặc dù việc phát hiện tin tức giả mạo là một quá trình phức tạp, nhưng việc truy xuất nguồn gốc dữ liệu, kiến ​​trúc truyền thông và các giao dịch có thể được kiểm soát.

Các giải pháp dựa trên Blockchain sẽ thay đổi cách sản xuất và truyền tải thông tin, đóng vai trò chính giải quyết thông tin sai lệch.

Vấn đề chính của tin tức giả là tốc độ lan truyền nhanh chóng của nó. Với tốc độ chia sẻ tin tức giả mạo cao, có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế mà đôi khi không lường trước được.

Công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technologies - DLT) là những công nghệ đang phát triển có thể giúp chống lại sự lừa đảo hay gian lận kỹ thuật số. Những công nghệ này cho phép quyền riêng tư, bảo mật và sự tin cậy trong một mạng ngang hàng (P2P) phi tập trung mà không cần bất kỳ cơ quan quản lý trung tâm nào.

Blockchain có thể xử lý tình trạng tin giả mạo -0

Do tính chất truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch và tính phi tập trung của blockchain, vấn đề tin tức giả có thể được xử lý một cách hiệu quả. 

Các tổ chức hiện nay như các tòa soạn báo, tổ chức phi lợi nhuận, các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp đều đang xem xét việc áp dụng công nghệ này, nhằm tạo ra các mạng phân tán, minh bạch hơn cho các phương tiện truyền thông và thông tin kỹ thuật số.

Mặc dù blockchain là công nghệ tương đối mới, nó không thể ngăn con người đăng thông tin sai lệch nhưng ít nhất nó có thể tạo cho người dùng cảm giác tin tưởng hơn vào những gì họ thấy trực tuyến bằng cách giúp theo dõi và xác minh thông tin dễ dàng hơn.

Theo Gartner, công nghệ Blockchain, đến năm 2023, có tới 30% nội dung video và tin tức trên thế giới sẽ được xác thực hoàn toàn chính xác bằng “sổ cái blockchain”, chống lại công nghệ giả mạo Deep Fake (video giả mạo).

Gartner cũng cho rằng, tờ The New York Times sẽ là một trong những ấn phẩm tin tức lớn đầu tiên thử nghiệm công nghệ blockchain để xác thực các bức ảnh tin tức và nội dung video. Nhóm Nghiên cứu và Phát triển của The New York Times và tập đoàn IBM cũng đã hợp tác trong một dự án có tên Nguồn gốc tin tức, họ sử dụng công nghệ chuỗi khối để lưu trữ “siêu dữ liệu theo ngữ cảnh”. Siêu dữ liệu đó bao gồm: thời gian và địa điểm chụp ảnh hoặc video, ai đã chụp ảnh hoặc cách thức và thời điểm nó được chỉnh sửa và xuất bản.

Với sự trợ giúp của các nền tảng công nghệ blockchain, các trang web tin tức có thể tăng tính minh bạch và việc truy cập nguồn thông tin sai lệch sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều. Điều này không chỉ giúp người dùng xác minh thông tin mà còn cung cấp bằng chứng về siêu dữ liệu được thu thập ở mỗi giai đoạn.

Theo ANH NGỌC (Báo Nhân Dân)