Bộ Công Thương nêu 4 nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
06/08/2024 - 09:00
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, tình hình phục hồi công nghiệp của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2024 có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nhận diện 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện, cũng như đề ra 4 nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
AA
Thông tin về tiến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 diễn ra chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tình hình phục hồi công nghiệp của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2024, có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Các chỉ số quan trọng đều tăng mạnh như: Chỉ số PMI tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018; Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011...
Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7, chỉ có 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh,…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nêu rõ, thời gian tới, có 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Cụ thể: mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; trong nước, thị trường bất động sản phục hồi khá chậm.
Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; Khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử..
Theo Tổ Quốc
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: