Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội trong khoảng thời gian gần 2 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9-2021), nên ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp, dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, người lao động tự do gặp nhiều khó khăn.
Do đó, trên cơ sở Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu ban hành kế hoạch, văn bản cụ thể hóa việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, đã phê duyệt hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.594 doanh nghiệp, với 65.162 lao động, số tiền 19,91 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 6.285 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương số tiền 23,25 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 3.028 hộ kinh doanh gần 9,1 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 23 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, với 1.575 lao động, số tiền gần 4,4 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 14.524 người bán vé số lưu động số tiền gần 21,8 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ 162.179 người lao động tự do khác số tiền gần 243,3 tỷ đồng.
Căn cứ Quyết định 1415/QĐ-TTg, ngày 19-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, An Giang được phân bổ trên 3.362 tấn gạo và đã cấp phát hết số gạo trên cho 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 25-10, 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã tổ chức thực hiện các mô hình: “Cửa hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Quầy hàng 0 đồng” “Chuyến xe yêu thương”, Chương trình “San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”… tại 190 địa điểm ở xã, phường, trị trấn đã hỗ trợ trên 494.427 lượt hộ dân, với giá trị trên 60 tỷ đồng; hỗ trợ cho trên 241.658 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình tại nơi bị phong tỏa, với tổng số tiền và hàng hóa quy tiền trên 129 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành những nghị quyết, quyết định về những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn và mong muốn các chính sách hỗ trợ đến với người dân nhanh nhất. Ngoài việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, An Giang còn hỗ trợ cho đối tượng bán lẻ vé số lưu động.
Trên cơ sở những nỗ lực, kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị, thời gian tới, An Giang tiếp tục đôn đốc các sở, ngành đẩy nhanh hơn nữa các gói hỗ trợ cho người lao động, linh hoạt các thủ tục để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đến kiểm tra, khảo sát thực tế tại Công ty TNHH NV Apparel ở Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang.
MỸ LINH – DUY ANH