Bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

16/04/2023 - 13:39

- Hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, việc ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Bắc Giang

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Theo Nghị định của Chính phủ, các đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2023 là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản;

Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; xây dựng; hoạt động xuất bản; thoát nước và xử lý nước thải; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm...

Đối với thuế giá trị gia tăng, thời gian gia hạn là 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I năm 2023; thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2023 và quý II năm 2023; thời gian gia hạn là 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2023; thời gian gia hạn là 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2023.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết tổng số thuế giá trị gia tăng được gia hạn là khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.

Thời gian gia hạn là 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Bộ Tài chính ước tính số thuế được gia hạn chậm nộp khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng.

Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là ngày 30/12/2023. Ước tính số tiền thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỷ đồng.

Nghị định 12/2023/NĐ-CP cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.

Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP có tác dụng hỗ trợ thanh khoản của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.

Thông qua chính sách, cộng đồng sản xuất kinh doanh có khả năng duy trì dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn và bảo đảm vốn cho kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, da giầy, dệt may, thép, gỗ…là những ngành đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng cho năm 2023.

Đây cũng chính là dư địa tài khoá đã được Quốc hội quyết nghị, xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp hơn kịch bản đề ra; hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; xuất nhập khẩu giảm sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước ngay trong quý II và cả năm 2023. Thực tế này khiến áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng trong những quý còn lại.

“Những khó khăn, áp lực điều hành hiện nay yêu cầu cần phải có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư để cải thiện nguồn cung trong nước, tạo động lực tăng trưởng, tăng thu ngân sách Nhà nước, góp phần giảm bớt áp lực lạm phát cho nền kinh tế.

Chính sách tài khoá phải đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn và sự dịch chuyển, xu hướng lớn toàn cầu.

Chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Bộ Tài chính cần quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các thủ tục xuất, nhập khẩu;xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm; khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình.

Đối với các địa phương, cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thành lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo tỉnh làm trưởng ban khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trước sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI. Hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đang xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

Theo TÔ HÀ (Nhân dân)

 

Liên kết hữu ích