Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Philippines thăm Nhà máy Gạo Hạnh Phúc
Thảo luận tại Nhà máy Gạo Hạnh Phúc
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr. trao đổi tại buổi làm việc
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Hồ Thanh Bình thông tin tại buổi làm việc
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Võ Hoàng Phi thông tin về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với đoàn Pilippines
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Hồ Thanh Bình (giữa) tặng quà cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr. (phải) tặng quà cho Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Hồ Thanh Bình
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá (trái) tặng quà cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr.
Tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy Gạo Hạnh Phúc
Nhà máy Gạo Hạnh Phúc
Cùng tham gia đoàn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ngành tỉnh An Giang và UBND huyện Tri Tôn.
Tham quan và làm việc tại Nhà máy Gạo Hạnh phúc (cơ sở xay xát, chế biến và kho lưu trữ gạo), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr. ấn tượng với quy mô hiện đại của nhà máy, cũng như ngành hàng lúa gạo của An Giang. Đồng thời mong muốn Tập đoàn Tân Long, cũng như các doanh nghiệp lúa gạo của Việt Nam nghiên cứu đầu tư tại Philippines
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco P. Tiu Laurel, Jr. cho biết, với tốc độ tăng dân số hơn 1,5%/năm, dân số Philippines mỗi năm tăng thêm khoảng 1,2 triệu người, kéo theo nhu cầu tiêu thụ gạo lớn, trong khi năng lực trong nước chưa đáp ứng kịp, phải tăng cường nhập khẩu. Do đó, Philippines mong muốn và sẵn sàng hợp tác hiệu quả với Tập đoàn Tân Long và tỉnh An Giang nói riêng, với Việt Nam nói chung, nhằm đảm bảo nguồn cung lúa gạo có chất lượng ổn định, lâu dài.
Trao đổi với đoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Hồ Thanh Bình cho biết, là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, An Giang có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Với 297.000ha đất nông nghiệp, mỗi năm tỉnh sản xuất khoảng 4 triệu tấn lúa, hơn 530.000 tấn cá tra, gần 1 triệu tấn rau màu và gần 270.000 tấn trái cây các loại (xoài, nhãn, cây có múi, mít, sầu riêng và chuối).
Riêng đối với ngành hàng lúa gạo, An Giang sản xuất quanh năm với tổng diện tích canh tác 616.000ha/năm, năng suất lúa bình quân khoảng 6,6 tấn/ha, trong đó có 80 - 90% là lúa chất lượng cao. Tỉnh đang chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, chất lượng cao và thân thiện với môi trường; đã cấp 163 mã số vùng trồng lúa, với diện tích 9.623,37ha. Năm 2023, An Giang xuất khẩu đạt gần 580.000 tấn gạo, tương đương 339 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 13,3 triệu USD.
Cùng với đó, An Giang đang tập trung triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, góp phần nâng cao giá trị cây lúa, giảm thiểu tác động môi trường, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực. Dự kiến, diện tích tham gia đề án của An Giang đến năm 2030 đạt 152.198ha. An Giang mong muốn tăng cường hợp tác với Philippines trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành hành lúa gạo.
Thông tin với Bộ Nông nghiệp Philippines, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá cho biết, dù Việt Nam có lợi thế nông nghiệp lớn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là thất thoát sau thu hoạch còn cao. Vào cao điểm thu hoạch, do thiếu năng lực logistics, sấy, nên lúa chưa được sấy kịp thời vào “thời gian vàng” (từ 8 - 10 giờ sau thu hoạch). Do vậy, Tập đoàn Tân Long đang tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng sau thu hoạch, gồm hệ thống sấy, trữ lúa hiện đại, nhằm đảm bảo chất lượng tươi ngon của hạt gạo dù lưu trữ trên 1 năm.
Theo đề án giai đoạn 2023 - 2032, Tập đoàn Tân Long phấn đấu xây dựng 4 nhà máy quy mô lớn, công nghệ hiện đại tương tự như ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), nỗ lực đạt mục tiêu hạ tầng sấy trữ 5 triệu tấn lúa/năm. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ vật tư đầu vào, tăng cường hợp tác với hợp tác xã, tổ chức nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định lâu dài.
Tập đoàn Tân Long sẵn sàng hợp tác xuất khẩu sang thị trường lớn như Philippines, đầu tư thêm hạ tầng để tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, nhằm đạt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch và tăng giá trị lúa gạo.
NGÔ CHUẨN - DUY ANH