Bóng đá trở lại sau dịch bệnh Covid-19

20/05/2020 - 06:30

 - Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bóng đá phong trào ở huyện Tri Tôn (An Giang) đã trở lại với giải tứ hùng chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là hoạt động nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương, bởi sau thời điểm “giãn cách xã hội” thì họ rất cần những sân chơi như thế.

Mặt cỏ sân vận động huyện Tri Tôn đã xanh trở lại sau thời gian cải tạo. Những cầu thủ bóng đá phong trào ở huyện miền núi này hào hứng xỏ giày ra sân để "say" theo từng đường bóng. Giải bóng đá tứ hùng lần này được tổ chức vào 2 ngày 16 và 17-5 với sự tham gia của 4 xã: Cô Tô, Lương Phi, Lương An Trà, An Tức. Đây là các địa phương có nguồn lực bóng đá khá tốt tại huyện Tri Tôn cùng niềm đam mê bóng đá cuồng nhiệt từ người dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn Thái Quốc Bình thông tin: “Giải bóng đá tứ hùng lần này là sự kiện thể thao đầu tiên của huyện sau kỳ nghỉ kéo dài do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Do đó, người dân rất hào hứng và các đội thi đấu hết mình để cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn. Với thể thức thi đấu 11 người, giải đấu được các đội hưởng ứng khá nhiệt tình. Hiện nay, huyện xác định mục tiêu sẽ phát triển lại phong trào bóng đá 11 người, bởi người dân Tri Tôn vốn rất thích hình thức thi đấu như vậy thay vì sân bóng 5 người trong thời gian qua”.

Giải đấu mang đến sân chơi hào hứng cho các địa phương

Dù chỉ có 4 đội tham gia nhưng các trận đấu vô cùng hấp dẫn, bởi các cầu thủ luôn khát khao hướng đến chiến thắng sau mấy tháng rời xa sân cỏ. Riêng trận chung kết diễn ra kịch tính đến phút cuối khi 2 đội An Tức và Cô Tô phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu đầy may rủi. Kết quả chung cuộc, đội bóng xã An Tức vô địch. Với tính hấp dẫn vốn có của bóng đá, giải đấu đã thu hút khá đông khán giả đến sân cổ vũ cho các đội. Họ tạo nên không khí hào hứng, vui vẻ cho giải đấu và tiếp thêm nguồn năng lượng cho các cầu thủ trên sân.

Ông Bình phân tích, các địa phương có sân bóng 11 người sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển phong trào. Trong đó, xã Cô Tô đã quan tâm phát triển bóng đá 11 người trong những năm qua nhằm tận dụng tốt điều kiện sân bãi. Do đó, địa phương này sở hữu những cầu thủ giàu thể lực và nắm bắt tốt các bài bản phối hợp trong không gian rộng, nên có phần chiếm ưu thế hơn so với các đội khác dù phải chấp nhận về nhì sau loạt luân lưu đầy may rủi.

Thời điểm này, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn dự định sẽ tổ chức giải bóng đá vô địch huyện nhằm tạo sân chơi cho các xã, thị trấn. Với thể thức thi đấu 11 người, giải đấu hướng đến việc tuyển chọn những cá nhân vượt trội đại diện huyện tranh tài ở Giải bóng đá vô địch các câu lạc bộ tỉnh An Giang trong năm nay.

“Đây là mục tiêu trước mắt của chúng tôi nhằm chuẩn bị nguồn lực cho huyện tranh tài ở sân chơi cấp tỉnh. Qua giải đấu cấp huyện, các xã, thị trấn đã nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm cải thiện chất lượng cho bóng đá phong trào của địa phương. Về lâu dài, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ đào tạo lứa cầu thủ có kỹ năng tốt thi đấu thường xuyên cho huyện. Trong đó, phải đảm bảo tính kế thừa giữa các lứa cầu thủ. Chỉ có cách làm căn cơ, lâu dài mới có thể nâng chất bóng đá phong trào của huyện chứ không thể đợi đến giải mới tuyển chọn cầu thủ như hiện nay” - ông Thái Quốc Bình phân tích thêm.

 Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi và người dân dần quen với “trạng thái bình thường mới” thì bóng đá phong trào sẽ trở lại hào hứng như trước. Không chỉ riêng huyện Tri Tôn mà các địa phương cũng nỗ lực khôi phục các hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá, bởi môn thể thao vua đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đông đảo người dân!

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích