Làng quê xưa không có điện sáng, ngay cả ngọn đèn dầu cũng không thắp sớm. Khi trời chạng vạng, ánh dương đã tắt, sân nhà tối thẫm thì bữa cơm chiều mới được bày ra. Đó chỉ là manh chiếu cũ trải trên sân. Nếu nhà ai chỉ có 2 - 3 người thì không trải chiếu ra sân mà ngồi trên thềm hè trước cửa để lợi dụng ngọn đèn hoa treo ở xà nhà, sáng cả trong lẫn ngoài nhà.
Ảnh: Internet.
Bữa cơm chiều xưa ở quê chỉ có nồi khoai độn. Đồ mặn là đĩa tép rang muối, bát cá kho tương hay kho với trám, cùng đĩa rau lang, rau muống chấm mắm cáy, tương bần. Tới mùa hến thì có bát canh hến nấu cà chua hay câu được vài con cá lẹp nấu với quả dọc, quả tai chua.
Mâm cơm chiều là kết thúc một ngày lao động vất vả ngoài đồng, trên nương. Bữa cơm chủ yếu do bà, mẹ hay chị tất tả chui vào nhà bếp lụp xụp thổi lửa. Từ trong bếp, khói rơm khô tuôn ra xanh xám mù mịt khắp sân khắp nhà. Nhiều bữa nấu vội, mấy lò cùng hun khói tỏa đặc. Tôi vẫn nhớ hồi bé mình từng chui vào hốc bếp nấu rơm khô hay lá thông, nó không lãng mạn, văn vẻ miêu tả bếp hồng đượm lửa đâu. Người nấu rơm phải ngồi miết ở bếp vì cứ phải kéo rơm thành con cúi dùng cây cời lùa vào để đun. Ở xó bếp đen nhẻm đặc khói này lúc nào cũng tối mù, càng đen hơn khi trời tối. Ánh sáng không phải từ ngọn đèn dầu mà chính là ánh lửa bếp hắt lên. Chính vì khói nên mắt ai cũng nhòe cay.
Ngày xưa, bà, mẹ hay dì nấu cơm bằng nồi đất rất cẩn thận vì sơ sẩy là vỡ nên lửa vừa phải, cơm cạn là vần ra góc bếp vào tro rơm để chín. Nấu canh, luộc rau hay kho cá cũng phải nhanh, khi bưng ra thì trời đã tối sẫm. Khi mở vung nồi cơm phải khéo léo lượn đũa cả hớt bụi tro bếp bám vào cơm để cho chó mèo. Nhiều nhà nghèo, nàng dâu cho vào bát mình để ăn, nhường bát cơm trắng, miếng khoai bở cho ông, bố hay bà, mẹ… Bữa cơm chiều dù trong tối nhưng tất cả đều rộn ràng. Trước bữa, lũ trẻ lần lượt mời từ ông bà, cha mẹ, anh chị. Người dưới mời người trên. Bữa cơm tuy chẳng có gì nhiều nhặn nhưng mọi chuyện ngoài đồng, ở làng, nhà hàng xóm... đều đem ra nói rôm rả.
Ngày xưa, việc đầy đủ người ngồi tròn mâm là quan trọng, ít có chuyện người ăn trước, người ăn sau. Vì thế, bữa cơm chiều luôn là hình ảnh đoàn tụ của nếp nhà tranh. Bữa cơm làm giải tỏa nỗi vất vả, buồn vui. Trước đây, tôi vào miền Nam, thấy nhiều gia đình cho trẻ tô cơm ăn, ai ăn trước, ai ăn sau không quan trọng. Có thể do thói quen và tập tục. Còn hiện tại, nhiều gia đình có cố mấy cũng ít có bữa cơm chiều chung một mâm. Thế nên, nhiều người ở thành phố khi trở về quê nhà thường thích trải chiếu ở sân ăn cơm. Bưng bát cơm nhìn tàu chuối, lũy tre reo trong gió lảng bảng khói chiều nhiều khi người ta rưng rưng nước mắt nhớ về những người thân xưa đã từng ngồi đây, giờ đã ở tận xa thẳm.
Bữa cơm chiều ở sân quê xưa là cảm thức khó quên cho những ai đã từng trải qua nên nhớ mãi.
Theo DƯƠNG MY ANH (Báo Khánh Hòa)