Hạnh phúc lớn nhất của mọi người ai cũng có mái ấm gia đình. Được quây quần bên mâm cơm cùng các thành viên trong gia đình, vui vẻ kể chuyện. Đó là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam thấm đậm nghĩa tình. Hạnh phúc đó khiến cho con, cháu trong gia đình dù có đi xa những vẫn nhớ về nguồn cội. Tôi còn nhớ mãi ngày còn nhỏ đã được chứng kiến thời buổi chiến tranh khó khăn nhất năm 1962, hàng ngày thường xuyên phải ăn cơm độn nhiều ngô, khoai. Thậm chí có ngày còn ăn khoai luộc trừ bữa. Cả nhà có 6 nhân khẩu mà chỉ nấu một bò gạo lại bốc ra hai nắm cho vào hũ gạo kháng chiến ủng hộ bộ đội ngoài tuyền tuyến nữa. Số gạo còn lại đổ vào nồi cơm hấp độn nhiều khoai lang khô. Đến bữa cả nhà ngồi quây quần bêm mâm cơm đạm bạc, chỉ có bát canh cua nấu với rau đay và bát cà nuối thôi mà cả nhà cũng ăn ngon lành. Hôm nào mưa thì có thêm một đĩa thịt ếch tôi bắt từ tối qua. Nhìn nét mặt ai ai cũng tươi rói. Cơm nước xong cả gia đình lại ngồi quanh bàn uống nước, nói chuyện xảy ra hàng ngày. Điều quan trọng là được nghe bố mẹ giáo huấn, dạy bảo những điều hay lẽ phải. Khuyên các con phải biết giữ gìn nền nếp gia phong của gia đình, và định hướng cho từng chị em chúng tôi thực hiện các công việc ngày hôm sau, ai cũng gật đầu đồng ý sự sắp xếp phân công của bố mẹ. Mỗi người mỗi việc không ai tỵ nạnh nhau, cùng cố gắng hoàn thành. Không gian im ắng trong căn nhà gỗ đơn sơ, bố tôi lại kể chuyện có thật trong làng cho cả gia đình nghe rồi phân tích lý lẽ. Mục đích là để giáo huấn dạy bảo các con. Lời nói của bố ngày ấy đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi là bài học đắt giá mà hơn 50 năm nay, tôi vẫn còn nhớ như in. Tôi nhớ nhất lúc chị em tôi phạm lỗi dắt nhau ra sân tắm lúc mưa to, đầu tóc, quần áo ướt hết cùng thi nhau chạy nhảy, hò hét, đùa vui trên sân thì bố mẹ đi làm về bắt được quả tang. Sợ quá chị em vội chạy vào nhà nơm nớp lo bị đánh đòn. Trong bữa cơm tối bố tôi chỉ nhắc nhở, giọng của bố ấm áp mà cứng rắn nhưng thật thuyết phục. Còn mẹ tôi thì lại bao dung nhẹ nhàng nói từng câu:
- Lần sau các con đừng làm những việc sai trái như thế nữa nhé. Thời gian rảnh rỗi thì dồn hết tâm trí vào học hành, để mai sau đỡ vất vả như bố mẹ bây giờ nhé con.
Câu nói ấy làm cho căn nhà nhỏ thêm ấm áp lạ thường. Chị em tôi thở phào nhẹ nhõm. Niềm vui đó lan rộng kết nối từng thành viên trong mái ấm gia đình.
Minh họa: Phương Thảo
Ngồi ngắm mưa rơi tôi nghe vẳng vẳng tiếng mẹ hiền quanh đây, mẹ ở trên cao ẩn sau những đám mây trắng trên bầu trời rộng lớn. Tôi thầm gọi hai tiếng mẹ ơi…Mẹ ơi… Ngồi trong phòng lạnh không có khói bếp mà sao mắt tôi vẫn cay sè, những giọt lệ ngấn đầy khoang mắt. Tiếng mưa rơi hay tiếng lòng đau đáu, biết tìm đâu một thời thơ ấu, với bao kỷ niệm đầy vơi trong tâm trí tôi lúc này…
Tôi đã xa quê mấy chục năm dòng, sống nơi thị thành đông đúc. Bữa cơm gia đình nay cũng khác xưa nhiều, khi thì cơm hộp, khi thì cơm tiệm nhà hàng. Bữa cơm đạm bạc đầm ấm cả gia đình ngày xưa thì giờ cũng xa dần. Những cơ hội giáo dục, tâm tình, san sẻ niềm vui với mọi thành viên trong gia đình cũng không được như xưa nữa. Hàng đêm tôi vẫn vẫn thường mơ về bữa cơm đạm bạc mà đầm ấm từ thời quá khứ của quê hương. Chính nơi đây mình sinh ra và lớn lên dù trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống bần hàn thời đó cả làng tôi ai cũng mơ ước nhỏ nhoi. Chỉ mong sao một ngày trên bếp kiềng nhà mình có ba lần đỏ lửa thì cũng vui lắm rồi. Bữa cơm đạm bạc không có chất tươi nhưng vẫn thấy vui. Bởi vì có sự đoàn tụ của cả các thành viên trong gia đình. Niềm khát khao chảy bỏng ấy mà tôi không sao quên được.
Ngày nay, cả xã hội thường xuyên quan tâm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn ở khắp mọi miền đất nước. Để giúp các cháu có cơ hội được cắp sách tới trường, được học hành hết cấp cùng các bạn trang lứa. Song vẫn còn những trẻ em cơ nhỡ, phải vào đời để kiếm sống. Nhìn thật tội nghiệp chắc những đứa trẻ em đó cũng mơ ước có một mái ấm gia đình. Được ngồi cùng các thành viên gia đình quây quần bên mâm cơm ấm áp tình thân.
Tôi vẫn nghĩ bữa cơm gia đình sao ấm áp thiêng liêng đến thế. Những ai đã từng được bố mẹ dạy bảo trong bữa cơm gia đình ngày xưa, thì hẳn vẫn còn hành trang vào đời vô cùng quý giá. Còn những trẻ thơ, cơ nhỡ tự đi làm để kiếm sống ngoài kia, thì xin mọi người hãy chung tay giúp đỡ dành cho họ sự cảm thông, sẻ chia, cưu mang để trẻ đó được sống trong tình thương của cả cộng đồng xã hội.
Theo NGUYỄN THỊ NHUNG (Báo Hà Giang)