Chuỗi hoạt động tổ chức cho trẻ em và người già tại các xã vùng sâu
Mỗii đợt diễn ra, hàng trăm suất ăn sáng được chuẩn bị bởi các chị, các cô là hội viên phụ nữ huyện và các xã đều tươm tất, khẩn trương. Ở vùng quê, bữa sáng đôi khi ít được chú trọng, nhất là với những gia đình điều kiện còn khó khăn, họ thường “cộng dồn” vào bữa chính để tiết kiệm chi phí.
Thấy được nỗi lòng đó, từ tháng 8/2023, Hội LHPN huyện Phú Tân tổ chức chương trình “Bữa sáng yêu thương”, phục vụ bữa ăn cho các em nhỏ và hội viên phụ nữ ở các vùng còn khó khăn. Từ chương trình đầu tiên đơn thuần là vận động nguồn lực để tổ chức các bữa ăn, nước uống, trao quà tặng… đến nay “Bữa sáng yêu thương” trở thành hoạt động kết nối những tấm lòng trong và ngoài huyện. Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà hảo tâm đồng hành để giúp đỡ trẻ em mồ côi, học sinh vượt khó học giỏi qua các phần học bổng, trao tặng xe đạp, đồng phục, bảo hiểm y tế…
Trong tháng 6, gắn với Tháng hành động vì trẻ em và sinh hoạt hè, chương trình “Mẹ đỡ đầu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi do COVID-19”, hoạt động được tổ chức càng quy mô hơn. Tại xã vùng sâu Phú Long, Hội LHPN huyện nấu 300 suất ăn sáng, nước uống cho hội viên phụ nữ, người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Đồng thời, tặng 115 phần quà, mỗi phần gồm balo, dụng cụ học tập, kem, bánh, sữa, nước ngọt… cho học sinh. Bên cạnh đó, ban tổ chức vận động trao 20 thẻ bảo hiểm y tế, 30 suất học bổng (trị giá 500.000 đồng/suất) cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi do COVID-19.
Ngoài ra, câu lạc bộ hớt tóc tình nguyện tỉnh An Giang và câu lạc bộ y, bác sĩ tình nguyện huyện Phú Tân đã đến tham gia cùng chương trình, cắt tóc và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 250 lượt người dân, trẻ em. Tổng kinh phí hoạt động lần này hơn 100 triệu đồng, do các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện trong và ngoài huyện đóng góp.
Hơn cả một bữa sáng no lòng, chương trình ngày càng thiết thực, nhân lên ý nghĩa với nhiều nội dung của những “người mẹ” ở hội LHPN các cấp. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Kiều cho biết, chương trình được duy trì đúng theo kế hoạch đề ra (2 tháng/lần). Đến nay chương trình từng bước được mở rộng quy mô và hình thức, vừa vận động nguồn lực nấu, phục vụ các bữa ăn sáng, nước uống, vừa vận động thêm nguồn lực để tặng quà, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập cho một số hoặc tất cả trường hợp tham dự chương trình, lồng ghép khám sức khỏe, cấp thuốc, hớt tóc miễn phí. Ngoài ra đối với trẻ em, học sinh, ban tổ chức còn lồng ghép tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, an toàn giao thông...
Trong đó, các đợt tổ chức tại xã Phú Thạnh, Phú Bình, Hòa Lạc, Hiệp Xương, Phú Long... sau phần trao quà, ban tổ chức tuyên truyền kỹ năng, kiến thức cho trẻ em và sinh hoạt các trò chơi lành mạnh, vui tươi. Với những trường hợp trẻ em quá khó khăn, không đảm bảo điều kiện có người thân chăm sóc, Hội LHPN còn tìm cách kết nối, vận động để có các nguồn lực nhận “đỡ đầu” cho các em.
Lần tổ chức mới đây, Hội LHPN huyện đã cho các trẻ mồ côi gặp gỡ đại diện trường Hy Vọng (trường nuôi dạy các trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19). Đơn vị đã giới thiệu về các chế độ, chính sách học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Có 2 em có nguyện vọng được học tập tại trường, tuy nhiên qua ý kiến gia đình thì các em chưa thể tham gia. Nói riêng về chương trình “Mẹ đỡ đầu”, trên địa bàn huyện đã vận động duy trì để giúp đỡ thường xuyên cho hơn 40 trẻ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ bởi dịch bệnh COVID-19. Hầu hết các chương trình chăm lo an sinh xã hội, “Bữa sáng yêu thương” đều tập trung dành phần lớn hỗ trợ cho các em thuộc diện này.
“Qua nhiều lần, hoạt động của chương trình được đăng tải trên Facebook nên ngày càng thu hút được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, như ở TP. Long Xuyên, huyện Chợ Mới, TP. Hồ Chí Minh... Do đó nguồn lực được tăng lên, tùy hoạt động ở mỗi địa phương, có thể từ 8 triệu (chỉ nấu bữa sáng, nước uống) cho đến gần 100 triệu với chuỗi hoạt động phong phú, ý nghĩa” - bà Nguyễn Thanh Kiều chia sẻ.
Sau mỗi lần tổ chức, Hội LHPN huyện Phú Tân luôn đặt mục tiêu cho những lần tiếp theo, làm sao thiết thực hơn, huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đồng hành. Không chỉ là chương trình chăm lo an sinh xã hội, chương trình đã truyền động lực cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục phấn đấu vươn lên, đặc biệt là các em mồ côi cha hoặc mẹ bởi dịch COVID-19.
Mô hình này trở nên thiết thực vì hỗ trợ, chăm lo cho hội viên phụ nữ, trẻ em khó khăn, giúp họ có thêm điều kiện trang trải, vươn lên trong cuộc sống; phát huy vai trò của tổ chức hội, tổ chức tôn giáo trong thực hiện chính sách an sinh xã hội góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, huy động nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phát huy tinh thần thiện nguyện trong hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ có đạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia vào các hoạt động của hội.
MỸ HẠNH