Bức tranh toàn cảnh kinh tế số Việt Nam và những mục tiêu phấn đấu đến 2025

25/11/2023 - 19:26

Những con số ấn tượng về kết quả thực hiện kinh tế số được chia sẻ tại Hội nghị tập huấn phổ biến nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền năm 2023.

Tại hội nghị, ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số (chiến lược 411) có 2/17 mục tiêu hoàn thành và 15/17 mục tiêu đang thực hiện (bao gồm 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến 2024, 6 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến 2025 và 7 mục tiêu thách thức). Về nhiệm vụ cụ thể, đã hoàn thành 20/114 nhiệm vụ và đang thực hiện 94/114 nhiệm vụ.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn phổ biến nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ TT&TT năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn phổ biến nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ TT&TT năm 2023.

Về các chỉ tiêu của nền kinh tế số, tính đến tháng 6/2023, tỷ trọng KTS trên GDP đạt 14,96%, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt tới 20%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ tháng 6/2023 đạt 7,5%, mục tiêu đến 2025 là 10%.

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử có sự gia tăng nhanh chóng với 50% tính tới tháng 6//203 và mục tiêu sẽ nâng lên 80% trong năm 2025. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số hiện đạt mức 30,7%, con số mục tiêu hướng tới trong năm 2025 sẽ là 50%.

Đáng lưu ý là tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động mục tiêu năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 2%, thấp hơn cả tỷ lệ hiện tại (2,32%).

Các chỉ tiêu về kinh tế số của Việt Nam tính đến tháng 6/2023 và mục tiêu đến 2025. (Nguồn: Vụ Kinh tế số và xã hội số - Bộ TT&TT).

Các chỉ tiêu về kinh tế số của Việt Nam tính đến tháng 6/2023 và mục tiêu đến 2025. (Nguồn: Vụ Kinh tế số và xã hội số - Bộ TT&TT).

Về các mục tiêu chỉ tiêu xã hội số đến năm 2025, nhiều mục tiêu mà ở thời điểm hiện tại gần đạt được bao gồm: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 80% (tỷ lệ hiện tại đã đạt tới 79%); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác là 80% (tỷ lệ hiện tại là 74,63%); tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang là 80% (tỷ lệ hiện tại là 76,93%).

Riêng chỉ tiêu về tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, mục tiêu năm 2025 là đạt 50%, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại tỷ lệ này mới chỉ đạt được con số 3%, cho thấy vẫn cần nhiều giải pháp đột phá hơn nữa trong việc khuyến khích người dân tăng cường sử dụng chữ ký số trong thời gian tới đây.

Riêng mục tiêu tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản, phấn đấu đạt 70% vào năm 2025 – tỷ lệ tương ứng ở hiện tại mới chỉ đạt 37,94% - cho thấy cần tăng cường đào tạo trực tuyến thông qua các nền tảng số đào tạo trực tuyến mở đại trà MOOC của MobiFone và VTC mà Bộ TT&TT vừa mới xét duyệt công nhận là các nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia.

Các chỉ tiêu xã hội số tại Việt Nam tính đến tháng 6/2023 và mục tiêu đến 2025. (Nguồn: Vụ Kinh tế số và xã hội số - Bộ TT&TT)

Các chỉ tiêu xã hội số tại Việt Nam tính đến tháng 6/2023 và mục tiêu đến 2025. (Nguồn: Vụ Kinh tế số và xã hội số - Bộ TT&TT)

Về xã hội số, quá trình chuyển đổi số quốc gia luôn khuyến khích sử dụng các nền tảng số Việt. Những số liệu khả quan cho thấy, ứng dụng liên lạc như Zalo hiện đạt 74,7 triêu người sử dụng hàng tháng; ứng dụng phục vụ xem truyền hình như VTVgo hiện đạt mức 6-7 triệu người sử dụng hàng tháng.

Riêng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hiện cũng đạt 19,9 triệu người sử dụng hàng tháng; các ứng dụng gọi xe như Be đang đạt mức 3,65 triệu người sử dụng hàng tháng (ổn định vị trí thứ 2 thị trường gọi xe Việt Nam). Tất cả các ứng dụng này đều theo hướng chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm.

Về một số số liệu giám sát, đo lường phát triển kinh tế số. Năm 2022, tỷ lệ kinh tế số lõi ICT chiếm gần 65%, lan tỏa ICT trong các lĩnh vực khác đạt 35%. Tại nhiều nước phát triển, các tỷ lệ này tương ứng là 30% và 70%. Điều này cho thấy kinh tế số lan tỏa ICT trong các lĩnh vực khác còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhấn mạnh, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số…

Kinh tế muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Theo BẢO ANH (VTC News)