Bụi từ sa mạc Sahara đang che phủ khắp bầu trời nước Mỹ

27/06/2020 - 14:27

Tuần này, cơn gió mạnh từ sa mạc Sahara nóng bỏng đang mang theo một đám mây bụi khổng lồ vào miền nam nước Mỹ sau khi đi qua Đại Tây Dương. Hiện tượng này xảy ra hàng năm, nhưng năm nay đám mây bụi này đặc biệt lớn so với nhiều thập kỷ qua, các chuyên gia cho biết.

 

Ảnh: Getty Images.

Và một đám mây bụi thứ hai đang hình thành khoảng một tuần sau đám mây lớn đó. Trên khắp miền đông nam Mỹ, từ Bờ biển vùng vịnh đến Carolinas, có khả năng cả ở phía bắc như Indianapolis và Cincinnati, các hiệu ứng bụi có thể sẽ xuất hiện trong những ngày tới.

Hàng nghìn tỷ hạt bụi sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời theo mọi hướng, tạo ra bầu trời trắng sữa. Đám mây bụi che ánh nắng mặt trời, làm mát mặt đất nơi có vết loang bụi dày nhất.

Các sóng ánh sáng đỏ và cam dài hơn có xu hướng xuyên qua đám mây bụi, vì vậy bình minh và hoàng hôn có khả năng đặc biệt đẹp. Về mặt nhược điểm, nơi các đám mây gặp mưa rào hoặc giông bão có thể làm rơi bụi sa mạc xuống bề mặt Trái đất. Điều này sẽ làm giảm chất lượng không khí và có thể làm nhiều người bị dị ứng và hen. Càng nhiều bụi đến một khu vực, hiệu ứng sẽ càng rõ rệt.

Bụi làm giảm mạnh tầm nhìn khi nó tấn công Puerto Rico trong tuần này. Những ngọn núi trong Rừng Quốc gia El Yunque ở phía đông bắc Puerto Rico bị che khuất hoàn toàn.

Rừng Quốc gia El Yunque trước và sau khi bị bụi từ sa mạc Sahara che mất núi. Ảnh: El Yunque.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), lớp bụi Sahara có thể di chuyển và gây ra tác động tới các địa điểm cách hàng nghìn dặm so với nơi khởi phát từ châu Phi. Vì thế, NOAA sử dụng các vệ tinh để theo dõi.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng bụi có thể làm tăng thêm những thách thức đối với những người bị nhiễm Covid-19, làm phức tạp các bệnh về đường hô hấp mà họ gặp phải.

Bụi đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí trên lục địa Hoa Kỳ, bản đồ giám sát AirNow của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy vành đai phía nam của các quốc gia vùng Vịnh có màu vàng và cam.

Đây là sự kiện quan trọng nhất trong 50 năm qua, ông Pablo Pablo Méndez Lázaro, chuyên gia sức khỏe môi trường của Đại học Puerto Rico, nói với AP hồi đầu tuần.

Còn nhà khoa học khí quyển Michael Lowry đã đăng trên Twiter vào hôm 24-6 rằng, sự bùng nổ của bụi Sahara đang diễn ra trên khắp Đại Tây Dương cho đến nay là cực đoan nhất kể từ khi các hồ sơ về bụi toàn cầu được bắt đầu ghi nhận vào năm 2002.

Một đám mây bụi khổng lồ từ sa mạc Sahara đang bay dọc theo Bờ biển vùng Vịnh Hoa Kỳ trong tuần này sau khi đi qua Đại Tây Dương. Nguồn: NOAA.

Đối với các nhà khoa học khí quyển, đám bụi khổng lồ này không chỉ là một sự kiện thú vị, nó còn cho phép họ tìm hiểu địa vật lý của Trái đất tạo ra các kiểu thời tiết và khí hậu như thế nào.

Theo NOAA, bên cạnh việc gây hại cho sức khỏe con người, đám mây bụi Sahara có một số lợi ích như nó có xu hướng cản trở sự hình thành phát triển của các cơn bão.

Đài quan sát Trái đất của NASA cho biết, bụi cũng "đóng một vai trò sinh thái quan trọng trong việc bón phân cho đất ở Amazon và tạo nên các bãi biển ở vùng Caribe".

Mỗi năm, NASA cho biết, có khoảng 800 triệu tấn bụi sa mạc ở Bắc Phi bay vào không khí và phát tán ra hàng nghìn dặm.

Theo HOA LAN (Nhân Dân)