Đầu năm 1945, cao trào kháng Nhật của quân dân ta diễn ra sôi sục. Cơ hội "ngàn năm có một" cho giải phóng dân tộc đang đến gần, nếu không chớp thời cơ sẽ bỏ lỡ cơ hội. Thời điểm này, chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước đồng minh không điều kiện, trong khi lực lượng cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, chiều 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào, tại một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Đây là “Hội nghị Diên Hồng” thời hiện đại, đề ra quyết sách chống ngoại xâm. Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam, kiều bào Thái Lan, Lào, cùng đại biểu các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, đoàn thể, Nhân dân...
Đại hội đưa ra 3 quyết định lớn. Đó là nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh. Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực thực hiện.
Trong đó, điểm mấu chốt là quyết giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Thứ ba, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, hiệu triệu: “…Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Đình Tân Trào
Đại hội bế mạc ngày 17/8/1945. Trong buổi lễ bế mạc, ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân.
Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước".
Sau bế mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ Hoa Kỳ với nội dung: “Nhân danh Ủy ban Dân tộc giải phóng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên Hợp Quốc rằng, chúng tôi đứng về phía Liên Hợp Quốc chống lại Nhật Bản, nay đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên Hợp Quốc thể hiện lời hứa long trọng của mình, là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào tiến hành đồng thời lệnh Tổng khởi nghĩa phát đi, cho nên họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể về cùng chiến sĩ ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.
Mệnh lệnh tổng khởi nghĩa không đến kịp nhiều tỉnh, nhất là ở Nam Bộ. Nhưng nhờ thấm nhuần tinh thần nghị quyết các hội nghị Trung ương, nhất là bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, căn cứ tình hình diễn biến trong hàng ngũ kẻ thù, cùng tinh thần sôi sục cách mạng của Nhân dân, Đảng bộ các cấp chủ động, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời khởi nghĩa giành thắng lợi ở nhiều địa phương.
Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội thắng lợi hoàn toàn. Chính quyền cách mạng về tay Nhân dân Huế ngày 23/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Ở Nam Bộ, sau khi được tin Nhật đầu hàng, ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Tiền phong chỉ định Ủy ban Khởi nghĩa. Sáng 21/8, Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Tiền phong giao Tỉnh ủy Tân An thực hiện khởi nghĩa “thí điểm”. Sáng sớm 23/8/1945, Tân An thắng lợi.
Theo kế hoạch, đêm 24/8/1945, Sài Gòn khởi nghĩa. Sáng 25/8, Nhân dân Sài Gòn cùng nhiều tỉnh biểu tình vũ trang rộng khắp. Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ ra mắt quốc dân đồng bào...
Từ những quyết sách của đại hội, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã nhất tề khởi nghĩa giành chính quyền, nhanh chóng đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá. Đây là đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam mới được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16/8/1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Nhân dân Việt Nam thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc.
Đây là thắng lợi của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây còn là bí quyết sáng tạo độc đáo của Bác Hồ trong vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền, ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập, với hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng tổng khởi nghĩa. Từ đó, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, thi hành chính sách 10 điểm của Việt Minh, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.
Như vậy, kể từ Bản yêu sách của Nhân dân An Nam năm 1919 đến Quốc dân Đại hội Tân Trào năm 1945, tư tưởng về xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Bác Hồ cụ thể hóa từng bước, với những việc làm cụ thể từ thấp đến cao, từ nhận thức đến hành động đi đến thắng lợi cuối cùng. Bằng tầm nhìn vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
N.R (Tổng hợp)