Dấu ấn tiên phong
Là một trong những đơn vị trụ cột trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT được UBND tỉnh tin tưởng ký “Thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020”, sau đó là giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Khung đề án “An Giang điện tử” và triển khai Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. VNPT An Giang ký thỏa thuận hợp tác với 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ông Trần Thái Tuyên (Giám đốc VNPT An Giang) chia sẻ: “Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) là nhiệm vụ trọng yếu đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND TP. Long Xuyên và VNPT An Giang giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở tập trung tối đa nguồn lực, 2 bên đã hoàn thành Trung tâm IOC giai đoạn 1 trước ngày 10-11-2021. Như vậy, sau hơn 3 tháng bắt tay vào thực hiện, chúng tôi xây dựng xong, điều mà trước đây phải mất hơn 2 năm mới có thể xây dựng và ứng dụng thực tế”.
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây, với lợi thế là đô thị loại 1, trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên, địa phương có nhiều loại hình kinh tế với tiềm lực phát triển lớn. Thế mạnh và tiềm năng sẵn có, cùng những định hướng chính sách phát triển phù hợp, TP. Long Xuyên ngày càng thu hút doanh nghiệp (DN) đến đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác.
Để phát triển bền vững, hướng đến thành phố hiện đại, thông minh, bên cạnh tiềm năng sẵn có, Long Xuyên mạnh dạn đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích thông minh, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Điều này phù hợp với sự phát triển của thời đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việc ra mắt Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Long Xuyên vào đầu tháng 1-2022 là bước đi tiên phong, hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang nói riêng, chuyển đổi số quốc gia nói chung. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình biểu dương quyết tâm chính trị của TP. Long Xuyên trong việc thực hiện chuyển đổi số; đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao VNPT An Giang xây dựng thành công IOC.
IOC mang lợi ích cho ai?
IOC là nơi tổng hợp nguồn thông tin, dữ liệu địa phương trên các lĩnh vực; cung cấp cho lãnh đạo chính quyền cách nhìn toàn diện, tập trung, kịp thời về hoạt động đang diễn ra; thực hiện giám sát, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn; hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, cơ chế, chính sách điều hành với tình huống cụ thể; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội; giúp người dân được tham gia giám sát hoạt động chính quyền địa phương.
Trung tâm IOC TP. Long Xuyên được triển khai với nhiều chức năng, trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý. Điển hình như, hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội giúp tập hợp và báo cáo số liệu kinh tế - xã hội của địa phương một cách hoàn toàn tự động, trực quan cho lãnh đạo. Lĩnh vực quản lý văn bản điện tử: Thống kê số lượng văn bản đến và văn bản đi, số lượng văn bản đã xử lý và chưa xử lý, các chỉ đạo điều hành đã được thực hiện và chưa thực hiện. Lĩnh vực giáo dục: Tổng hợp thống kê số liệu về biến động giáo viên, học sinh, kết quả học tập của hệ thống giáo dục thành phố…
Rất nhiều lợi ích được khai thác từ IOC. Về phía chính quyền địa phương, lợi ích thấy rõ là được tận hưởng giải pháp công nghệ hiện đại trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của VNPT, như: Điện toán đám mây (ICloud), Internet vạn vật (IOT), Trí tuệ nhân tạo (AI), BigData, Blockchain. IOC Long Xuyên sẽ giúp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cho TP. Long Xuyên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Hỗ trợ địa phương quản lý và điều hành về mọi mặt (kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội…) một cách hiệu quả nhất; xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh điển hình của tỉnh.
Đối với người dân và DN, tất cả được sinh sống, làm việc với nền kinh tế số, xã hội số thông minh, hiện đại. Mọi thủ tục hành chính đều thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và minh bạch thông qua môi trường số; tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như đời sống xã hội. Quan trọng nhất, tiếng nói của người dân được phản ánh đến cơ quan chức năng nhanh chóng, chính xác, an toàn. Người dân được trả lời công khai, minh bạch phản ánh của mình, hoàn toàn tự động qua hệ thống công nghệ thông tin.
“Trong quá trình vận hành trung tâm, đề nghị VNPT An Giang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ tham gia, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt. UBND TP. Long Xuyên chỉ đạo bộ phận chuyên môn, phòng, ban phối hợp nhịp nhàng; giám sát, xử lý, cung cấp thông tin kịp thời; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, DN biết, sử dụng dịch vụ, để trung tâm thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trong chỉ đạo, điều hành của thành phố trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu trong buổi ra mắt trung tâm.
Ngày 9-9-2021, UBND tỉnh An Giang ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình tập trung 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện về hạ tầng đô thị thông minh tại các thành phố, thị xã, khu vực đô thị trực thuộc. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền dựa trên nền tảng số. DN phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số; người dân tham gia tích cực xây dựng nền tảng xã hội số. |
GIA KHÁNH