Bước tiến mới trong điều trị đột quỵ ở An Giang

05/11/2021 - 06:28

 - Bệnh viện Tim mạch An Giang vừa tổ chức lễ đón nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng vàng điều trị đột quỵ của Hội đột quỵ thế giới cấp (WSO). Đây là cơ sở y tế đầu tiên của ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn chất lượng vàng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới.

“Đây là niềm tự hào không riêng của y, bác sĩ Bệnh viện Tim mạch, mà còn của cả ngành y tế tỉnh An Giang. Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Tim mạch An Giang đã nâng tầm y tế của tỉnh lên một bước, tạo bước tiến vượt bậc trong điều trị đột quỵ, rút ngắn thời gian chẩn đoán và điều trị đột quỵ cứu sống bệnh nhân, góp phần phát triển ngành y tế và thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân An Giang và ĐBSCL” - TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Đột quỵ thiếu máu não cấp là bệnh lý gây ra do cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch não cấp tính, nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, để lại những tổn thất cho gia đình và xã hội. Tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 chỉ sau nhồi máu cơ tim/sốc tim. Hiện nay, việc dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (thuốc tan cục máu đông) để tái thông sớm động mạch não bị tắc nghẽn đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả, an toàn trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp.

Một ca cấp cứu tại bệnh viện

BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết: “Trung bình hàng năm, có khoảng 800 bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu thông qua quy trình báo động đỏ đột quỵ tại Bệnh viện Tim mạch An Giang. Đây là quy trình được ban giám đốc và hội đồng khoa học- kỹ thuật bệnh viện xây dựng, nhằm đảm bảo bệnh nhân đột quỵ được thăm khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính não và dùng thuốc tiêu sợi huyết sớm nhất có thể trong 3 - 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng. Một tiêu chí chất lượng quan trọng hàng đầu là thời gian “cửa - kim” (từ khi nhập viện đến lúc truyền được thuốc) phải đạt dưới 60 phút theo các khuyến cáo”.

Với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, vận hành hiệu quả của quy trình báo động đỏ đột quỵ, chỉ số này tại Bệnh viện Tim mạch là dưới 50 phút. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân phù hợp được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết năm 2019-2020 đạt 16-18%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 35%. “Tỷ lệ phục hồi tốt chức năng thần kinh sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đạt 43-45%. Các chỉ số này tương đương với nhiều trung tâm đột quỵ lớn trong nước và thế giới” - BS Trí chia sẻ.

Với việc đạt các chỉ tiêu chất lượng hiệu quả cao trong điều trị và dự phòng đột quỵ thời gian vừa qua, từ quý IV-2020, Bệnh viện Tim mạch An Giang là đơn vị đầu tiên của khu vực ĐBSCL đạt tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ cấp ngay từ lúc bắt đầu tham gia đánh giá chất lượng theo các tiêu chí của Hội Đột quỵ thế giới (WSO). Vinh dự hơn, đây là đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn vàng trong 3 quý liên tiếp tham gia đánh giá chất lượng: quý IV-2020 đến quý II-2021. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh, chứng nhận tiêu chuẩn vàng của Hội Đột quỵ thế giới là thước đo để các đơn vị điều trị đột quỵ nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

30 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Tim mạch An Giang từ một bệnh viện khởi đầu điều trị nội tim mạch, đã triển khai thành công can thiệp tim mạch (2013), phẫu thuật tim hở (2017), thăm dò điện sinh lý-điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần (2019). Trong lĩnh vực cấp cứu tim mạch, bệnh viện đã triển khai thực hiện thành công 2 quy trình báo động đỏ để xử trí khẩn cấp nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ thiếu máu não cấp.

Từ cuối năm 2018, quy trình “Báo động đỏ đột quỵ thiếu máu não cấp” được triển khai với sự hỗ trợ đắc lực của máy CT scanner 128 lát cắt, đảm bảo bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được điều trị khẩn cấp thuốc tiêu sợi huyết trong 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng để kịp thời cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho người bệnh bị đột quỵ. Tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết năm 2019-2020 đạt 16-18% và trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này tăng gần 35% với thời gian từ khi nhập viện đến lúc truyền được thuốc dưới 50 phút (so với khuyến cáo hiện hành là dưới 60 phút). Tỷ lệ phục hồi tốt chức năng thần kinh sau sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đạt 43-45%.

Với sự hỗ trợ chuyên môn tích cực của các chuyên gia đầu ngành tuyến trên, bệnh viện đã trang bị các thiết bị y tế hiện đại và từng bước phát triển chuyên môn kỹ thuật lĩnh vực tim mạch. Từ tháng 7-2013 đến nay, bệnh viện đã can thiệp tim mạch hơn 6.000 trường hợp; 30% trong số đó là bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính được cứu chữa qua cơn hiểm nghèo. Hàng năm, nhiều bệnh nhân bệnh lý van tim/bệnh mạch vành được phẫu thuật thành công, nhiều bệnh nhân rối loạn nhịp tim được điều trị khỏi với máy tạo nhịp và sóng radio cao tần. Đây là các trường hợp bệnh rất phức tạp trước đây phải chuyển lên TP. Hồ Chí Minh thì nay đã điều trị được tại An Giang.

BS Trí chia sẻ: "Phát huy các thành tựu đã đạt được, Bệnh viện Tim mạch An Giang tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới hội chẩn từ xa, phát hiện sớm đột quỵ. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian chẩn đoán và điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong đột quỵ và phấn đấu đạt được tiêu chuẩn bạch kim (Platium) trong thời gian tới".

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích