Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trước khi được thực hiện ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc H. (52 tuổi) ở Nam Định được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh.
Các bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ca ghép phổi lịch sử này. Trong hơn 40 giờ hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động lực lượng hùng hậu lên đến 60 người thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối – Thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện cùng tham gia.
Ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào 10 giờ ngày 26-2-2018. Ca ghép kéo dài 8 giờ đồng hồ. Bệnh nhân H. sau khi ghép phổi được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Đến nay, 16 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân H. đã tự đi lại trong phòng, tự thở, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định. Bệnh nhân đã ăn được cháo.
Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, từ nguồn tạng của người cho chết não này, 6 người đã được ghép thận, giác mạc, tim. Thận, giác mạc đã được ghép cho một bệnh nhân bị bệnh thận, ghép cho hai bệnh nhân bị bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đồng thời, từ nguồn tạng của người cho chết não này, các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bảo quản, vận chuyển tạng xuyên Việt để thực hiện tiếp các ca ghép thận và ghép tim cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh...
Để có được thành công này, từ tháng 3-2016, Bệnh viện triển khai Đề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, một ca ghép gan, 14 ca giác mạc (từ 2014), 27 ca ghép tủy (từ 2004)… Tất cả các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Theo NGUYỄN BÍCH THỦY (TTXVN)