Cả nước bước vào cao điểm chống dịch Covid-19

28/03/2020 - 08:43

Từ 0 giờ ngày 28-3 đến 15-4, toàn dân Việt Nam cùng Chính phủ hợp sức chống dịch Covid-19 bằng các việc làm, hành động cụ thể

Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.

Các yêu cầu trọng điểm

- Hạn chế tụ tập đông người từ 0 giờ ngày 28-3 đến hết ngày 15-4.

Dừng các hoạt động tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Phố xá Hà Nội vắng tanh tối 27-3 sau khi có chỉ thị hạn chế tập trung đông người Ảnh: NGÔ TRẦN

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

- Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh.

Yêu cầu khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với tất cả trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 8-3.

Chính quyền các cấp tăng cường giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối.

- Bảo vệ tốt nhất cho bác sĩ, cán bộ y tế.

Bộ Y tế có phương án chăm sóc tốt hơn, bảo vệ an toàn nhất cho lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện điều trị người mắc Covid-19. Hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các tỉnh giáp Lào, Campuchia.

Tin tưởng Chính phủ

Trước khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15, người dân ở nhiều địa phương trên cả nước đã tạm ngưng các hoạt động kinh doanh tập trung đông người, hạn chế đi lại...

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tối 27-3, trên nhiều khu phố kinh doanh sầm uất của TP Hà Nội, hầu hết các hàng quán đã đóng cửa. Người dân đi lại thưa thớt, nhiều con phố vắng tanh.

Tại khu vực phố cổ, mọi ngày tấp nập buôn bán nhưng mấy ngày gần đây, đặc biệt là tối 27-3, du khách không có mấy người, hầu hết các hàng quán đã đóng cửa, treo biển tạm nghỉ.

"Trong thời gian dịch Covid-19 lan rộng, việc đóng cửa cũng rất khó khăn nhưng chúng tôi tin tưởng các kế hoạch mà nhà nước đưa ra, với mong muốn đợt dịch này hết hẳn để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường" - một chủ cửa hàng trên phố Đinh Liệt nói.

Cùng ngày, TP Đà Nẵng cũng yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dừng nhận khách đến lưu trú từ 0 giờ ngày 28-3; riêng với những khách đang lưu trú, giao Sở Du lịch phối hợp các chủ cơ sở thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các phương tiện giao thông công cộng cũng được chỉ đạo hạn chế số chuyến.

Ghi nhận tại TP Đà Nẵng chiều 27-3, các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người trước đây đều đã vắng người. Nhiều quán xá ở khu vực trung tâm TP đóng cửa. Ông Đặng Văn Quyền - ngụ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho biết từ ngày xảy ra dịch Covid-19 đến nay, ngoài giờ làm, ông chỉ ở nhà. Trong tình hình này, người dân nên ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng, hạn chế ra đường để phòng dịch lây lan.

Mong dịch bệnh qua mau

Từ nhiều ngày qua, nhiều cơ sở kinh doanh bida, hớt tóc, spa, karaoke ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã đóng cửa theo chỉ đạo của UBND TP để phòng chống dịch Covid-19.

Vào ban ngày, đường phố ở Cần Thơ cũng thưa thớt người hơn và hầu hết mọi người ra đường đều đeo khẩu trang. Khi đêm xuống có rất ít phương tiện lưu thông. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) nói: "Tôi bán hàng online nên khi nào đi giao hàng mới ra ngoài, còn bình thường chỉ ở nhà cho an toàn theo khuyến cáo. Dù ở nhà lâu nhiều lúc cũng bí bách nhưng vì an toàn là trên hết, mong dịch bệnh mau qua để mọi người trở lại cuộc sống bình thường".

Trong khi đó, từ sáng 27-3, nhiều đường phố tại trung tâm TP HCM vắng vẻ, nhiều quán ăn đã dọn dẹp bàn ghế và chỉ phục vụ cho khách mua mang về. Trong đó, khu vực xung quanh Bưu điện TP HCM rất ít người. "Cả ngày chẳng có một bóng khách nước ngoài nào đến đây vui chơi. Hôm qua, có một đoàn người Pháp được lên chuyến cuối cùng tham quan bằng xe buýt hai tầng" - ông Hùng (51 tuổi), hành nghề chạy xe ôm, cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết người dân ra đường đã bắt đầu có ý thức tự trang bị khẩu trang. Công viên không còn người bán hàng rong buôn bán.

Thủ tướng Chính phủ: “Nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh”.

- Tạm dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người.

- Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo.

- Đóng cửa các dịch vụ vui chơi, giải trí.

- Đối với Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng: đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh.

- Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng, hạn chế các chuyến bay.

- Ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

- Đối với người dân từ các TP, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch.

- Thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến.

Danh mục dịch vụ được kinh doanh ở Hà Nội

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) của TP Hà Nội chiều 27-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, Thành ủy về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Liên quan đến việc tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh đến hết ngày 15-4 (trừ các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu), UBND TP Hà Nội ban hành danh mục các ngành hàng được phép tiếp tục hoạt động:

- Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ).

- Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện).

- Chợ dân sinh, gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau, hoa quả, đồ khô.

- Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ).

- Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả.

- Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

- Dịch vụ khám chữa bệnh.

- Dịch vụ ngân hàng.

- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, gas, khí đốt.

Theo Người lao động