Đột quỵ
Mỗi năm, gần 14 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới; trong số đó, 5,5 triệu người tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở Mỹ, cứ sau 4 phút lại có một người chết vì căn bệnh này.
Đột quỵ xảy ra khi cục máu đông chặn mạch máu trong não hoặc mạch máu bị vỡ, ngăn oxy đến não. Trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, thuốc làm tan cục máu đông có thể cứu mạng bệnh nhân nhưng thường phát huy tác dụng trong vòng 3 giờ đầu tiên.
Người bị đột quỵ, ngừng tim không cấp cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong. Ảnh minh họa: Midland
Bệnh sốt rét
Bệnh do muỗi lan truyền gặp ở nhiều nơi trên thế giới như Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Tiến sĩ Robert Citronberg, Giám đốc Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Advocate Lutheran (bang Illinois, Mỹ), giải thích: “Một loại ký sinh trùng sốt rét đặc biệt, được gọi là P. falciparum, có thể đe dọa đến tính mạng”.
Ký sinh trùng nhanh chóng phá hủy các tế bào hồng cầu có vai trò chính trong việc cung cấp oxy cho các mô cơ thể.
Nếu bạn đi tới những vùng có nguy cơ sốt rét, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có nên dùng thuốc ngăn ngừa bệnh hay không.
Ngừng tim đột ngột
Theo Cleveland Clinic, ngừng tim đột ngột là nguyên nhân khiến 325.000 người trưởng thành ở Mỹ tử vong mỗi năm, thường gặp nhất ở người lớn 30-40 tuổi, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đột tử do tim thường do rối loạn nhịp tim. Cái chết sẽ xảy ra trong vòng vài phút, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.
Viêm màng não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu có thể gây ra một bệnh hiếm gặp gọi là viêm màng não mô cầu. “Loại vi khuẩn này có thể lưu thông trong máu và gây suy nội tạng, tử vong rất nhanh. Tôi đã chứng kiến những bệnh nhân đến phòng cấp cứu và chết sau đó 8 giờ. Vi khuẩn phá hủy các mô, khiến mạch máu đông lại và các chi chết nhanh chóng”, Tiến sĩ Citronberg kể. Cách tốt nhất là phòng ngừa bằng tiêm chủng.
Bệnh nhân tiểu đường cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Ảnh: Makatimed
Nhiễm toan ceton do tiểu đường
Biến chứng đe dọa tính mạng của bệnh tiểu đường (thường gặp nhất là loại 1) xảy ra khi nồng độ insulin quá thấp khiến cơ thể phân hủy chất béo thành ceton, tích tụ và làm cho máu có tính axit.
Theo The Healthy, một số triệu chứng là nhức đầu, cứng cơ, buồn nôn và thở nhanh. Bệnh nhân phải được bồi phụ insulin, dịch, điện giải nếu không có thể dẫn đến phù não, ngừng tim hoặc suy thận.
Tạp chí diaTribe, dành cho những người mắc bệnh tiểu đường, cho biết: “Chỉ trong 24 giờ, bệnh nhân có thể trải qua các triệu chứng nghiêm trọng dễ dẫn đến hôn mê hoặc tử vong”.
Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn
Loại nhiễm trùng này do một chủng vi khuẩn liên quan đến viêm họng liên cầu khuẩn gây ra. “Một vết cắt trên da có thể đưa vi khuẩn gây nhiễm trùng xâm lấn nhanh chóng. Ban đầu là vết sưng đỏ, trong vài giờ, bạn có thể thấy tổn thương lan ra trước mắt mình”, Tiến sĩ Citronberg mô tả.
Việc điều trị bao gồm xác định nhanh chóng, sau đó dùng kháng sinh và phẫu thuật để loại bỏ các mô bị ảnh hưởng.
Sốc nhiễm trùng
Nhiễm trùng do vi khuẩn trong máu có thể khiến huyết áp giảm mạnh, đó là tình trạng sốc nhiễm trùng. Nếu được phát hiện, bệnh nhân nên đi cấp cứu ngay, điều trị kịp thời là chìa khóa cứu mạng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 50% bệnh nhân được điều trị trong vòng 6 giờ. Cứ mỗi giờ sau đó, tỷ lệ sống sót giảm 7,6%.
Hội chứng sốc độc tố
Theo Johns Hopkins Medicine, đây là bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở, lây lan chất độc đến các cơ quan. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, phát ban đỏ hầu hết cơ thể, bong da thành mảng lớn trên lòng bàn tay và vết loét, đồng thời tăng lưu lượng máu đến mắt, miệng và âm đạo khiến các bộ phận này có màu đỏ. Sốc độc tố có thể dẫn đến cắt cụt ngón tay, ngón chân hoặc tứ chi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo Vietnamnet