Các nước châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch

18/09/2021 - 13:56

Một số nước châu Âu tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng dịch nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới.

Từ ngày 4-10, khách du lịch đến từ các địa điểm có nguy cơ thấp đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải chịu quy định cách ly khi nhập cảnh vào Anh. (Ảnh: Reuters)

Ngày 17/9, Anh công bố đơn giản hóa các quy định hạn chế đối với khách du lịch quốc tế đến nước này, bao gồm việc bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đắt đỏ khi nhập cảnh đối với hành khách đã được tiêm chủng đầy đủ và đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp. Từ ngày 4/10, những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly.

Chính quyền sở tại cũng bỏ hệ thống phân loại các nước theo màu đỏ, xanh, vàng dựa trên nguy cơ về dịch bệnh Covid-19, thay vào đó là xếp hạng đơn giản hơn dựa trên nguy cơ thấp hoặc cao.

Kể từ thứ tư tới, tám quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Maldives sẽ được bỏ khỏi danh sách các điểm đến có nguy cơ cao. Anh cũng sẽ mở rộng danh sách các quốc gia mà nước này công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, sau thử nghiệm với Mỹ và các nước châu Âu khác. 17 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Nhật Bản và Singapore sẽ được thêm vào danh sách này.

Những du khách chưa được tiêm phòng đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp sẽ phải xét nghiệm trước khi khởi hành, cộng với xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai và ngày thứ tám sau khi nhập cảnh vào Anh, đồng thời buộc phải tự cách ly trong 10 ngày.

Kể từ ngày 1/10, Bỉ không bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng nhưng vẫn duy trì quy định này trên các phương tiện công cộng, nhà ga, sân bay và các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, các nhà hàng và câu lạc bộ thể thao sẽ kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ của khách hàng và những người tham dự sự kiện lớn (500 người trở lên trong không gian kín và 750 người trở lên trong không gian mở).

Ngày 17/9, các chuyên gia y tế Italia tuyên bố nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua.

Tại cuộc họp báo công bố dữ liệu mới nhất, ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italia (ISS) nhấn mạnh số, ca lây nhiễm tại nước này được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Y tế Italia cũng cho biết, số ca mắc mới trung bình trên cả nước đã giảm xuống còn 54 ca/100 nghìn dân trong tuần từ ngày 10-16/9, so với 64 ca/100 nghìn dân của tuần trước đó. Số lượng bệnh nhân Covid-19 mới nhập viện cũng tiếp tục giảm về tổng thể.

Hiện tại, tất cả các vùng của Italy ngoài Sicily đều được xếp là "vùng trắng" có nguy cơ lây nhiễm thấp, với mức độ hạn chế thấp nhất.

Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6. Theo đó, số ca mắc mới trung bình trong 14 ngày qua đã giảm xuống còn 96 ca/100 nghìn dân vào ngày 16/9, xuống dưới ngưỡng 100 ca lần đầu tiên kể từ ngày 25/6.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng cho biết sẽ tiến hành tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường (liều thứ ba) cho các nhóm dễ bị tổn thương, gồm các nhóm đối tượng ở viện dưỡng lão, bệnh nhân ung thư đang hóa trị hoặc xạ trị và những người cần điều trị ức chế miễn dịch. Hiện hơn 3/4 dân số Tây Ban Nha đã được tiêm phòng đầy đủ.

Ở Mỹ, các cố vấn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo, chỉ nên tiêm tăng cường cho người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng cao, thay vì tiêm liều thứ ba rộng rãi cho phần lớn dân số.

Hội đồng chuyên gia FDA cũng khuyến nghị tiêm tăng cường cho các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, thí dụ như các giáo viên.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch tiến hành tiêm chủng tăng cường trên diện rộng, bắt đầu từ ngày 20/9. Một ban hội thẩm riêng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ tiến hành họp vào tuần tới để quyết định xem những đối tượng cụ thể nào đủ điều kiện được tiêm mũi thứ ba và tiêm vào thời điểm nào.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 sáng 18/9 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 42.799.520 ca mắc Covid-19, trong đó có 690.712 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm hơn 560 nghìn ca mắc mới và 8.451 ca tử vong mới. Trong đó, Mỹ chiếm phần lớn trong số này, với lần lượt 157.538 ca mắc và 1.936 ca tử vong mới, số liệu cao nhất thế giới trong ngày qua, cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện thế giới đã ghi nhận tổng cộng 228.373.920 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.692.275 ca tử vong. Trong ngày qua, có thêm 466.557 ca phục hồi, đưa tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 204.939.473 người, trong khi 18.742.172 bệnh nhân vẫn đang điều trị.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)