Các sở, ngành tỉnh và các địa phương cần xây dựng lộ trình, quy chuẩn mở cửa phục hồi kinh tế

27/09/2021 - 13:13

 - Sáng 27-9, UBND tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng của năm 2021, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Những tháng qua,  do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng trưởng ở các ngành, các lĩnh vực chậm lại, một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, tác động đến mức tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

9 tháng của năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng 1,60%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 36,81%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 15,85%; khu vực dịch vụ chiếm 45,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,71%. Ước tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 9 tháng của năm 2021 đạt 5.908 tỷ đồng (đạt 86,08% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 106,35% so cùng kỳ).

Do dịch bệnh ảnh hưởng, nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh từ đầu năm đến nay không thuận lợi. Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: gạo, thủy sản, rau quả, may mặc… đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ. Uớc tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 9 tháng đạt hơn 689 triệu USD (đạt 71.39% so kế hoạch và tăng 1,24% so cùng kỳ).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, 9 tháng của năm 2021, do dịch COVID-19 ảnh hưởng, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quý III sụt giảm, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng của tỉnh đạt 1,60%, so chỉ tiêu tỉnh đề ra trong năm 2021 đạt khá thấp.

Nhằm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa khống chế dịch bệnh,  vừa khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, các sở, ngành tỉnh cần xây dựng lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế cho từng ngành, từng lĩnh vực phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh; từng huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng bộ quy chuẩn để mở cửa lại phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt phục hồi kinh tế theo từng ngành, từng cấp, cũng như xây dựng, thiết kế chính sách hỗ trợ đối với các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý, các sở, ngành tỉnh và các địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế cần bám sát vào chỉ đạo chung của Chính phủ, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, không chủ quan, nóng vội.

Đối với các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng còn lại của năm 2021, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành, phân tích, làm rõ trong 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ ngành hàng nào sụt giảm, từ đó đề ra giải pháp phát triển phù hợp. Đồng thời, phải quan tâm đánh giá thật đầy đủ lại các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân…

MỸ LINH – TRUNG HIẾU