Theo kế hoạch 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực. Trường tăng tỷ lệ xét tuyển theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực lên 45%, mở rộng quy mô và địa điểm thi đánh giá năng lực.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay, từ năm 2023, trường này tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, dự kiến khoảng 50%.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học 2023 vào tháng 4 và 5. Nhà trường cũng tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm nay lên khoảng 20 - 30% tùy ngành (năm 2022 - 10%).
Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng bốn phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng công bố năm 2023 tiếp tục giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành.
Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7-2023. Trường cũng quyết định tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức điểm thi đánh giá tư duy, giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi tốtr nghiệp THPT 2023.
Năm 2023, trường Đại học Thương mại sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông cho biết, dự kiến năm 2023 trường sẽ tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển kết hợp và giảm chỉ tiêu phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%). Trường vẫn đang tính toán các phương án. Kế hoạch cụ thể hơn có thể được cập nhật trong khoảng tháng 2/2023.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân quyết định sử dụng 72% chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi riêng (năm 2022 - 60%), chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%, còn lại là các phương thức tuyển thẳng, xét chứng chỉ...
Việc tuyển sinh đại học giảm dần phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT được xem là việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, bài thi đánh giá năng lực không chỉ hướng tới những nhóm chuẩn kiến thức, năng lực, phải có tư duy trong làm bài, áp lực thời gian, và phân bố sao cho mình đạt kết quả cao nhất, không đơn giản chỉ là phần thi đánh giá kiến thức. Không phụ thuộc quá nhiều vào điểm số của kỳ thi THPT, nhiều kỳ thi kéo dài trong suốt năm để các thí sinh có điều kiện dự thi trong nhiều thời điểm, tăng cơ hội đỗ vào các trường đại học.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC)