2 phương án tiền lương
Tờ trình nêu rõ mức tiền lương thấp nhất của khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
Dự kiến mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức năm 2021 là 4,14 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, đề án cũng sẽ cải cách mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức lương cụ thể trong hệ thống bảng lương với 2 phương án được trình.
Sau cải cách, mức lương chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ nhận tương đương với hệ số 10, tương ứng lương là 33,4 triệu đồng
Phương án 1, mở rộng quan hệ lương 1 - 2,34 - 10 như hiện nay lên 1 - 2,68 - 12 (lương 12 bậc, bậc cơ bản là 2,68) từ năm 2021. Theo đó mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới (tương ứng 1,86 trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng.
Như vậy, mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 cho trình độ đại học hiện nay) sẽ được tăng lên mức 5,96 triệu đồng. Số này tương ứng mức tăng 27,4% so với năm 2020 (vì từ nay đến 2020, mỗi năm lương cơ bản tăng 5%). Con số này cũng tăng gần gấp đôi mức 3,25 triệu đồng hiện nay.
Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 trong bảng lương hiện hành) là 26,7 triệu đồng (hiện nay chỉ 13,9 triệu đồng).
Phương án 2, mở rộng quan hệ tiền lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 3 - 15 từ năm 2021, mức lương thấp nhất vẫn là 4,14 triệu đồng.
Theo đó, chuyên viên bậc 1 sẽ có lương 6,68 triệu đồng, tăng 42,7% so với năm 2020 và gấp đôi hiện nay. Mức lương chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ nhận tương đương với hệ số 10, tương ứng lương là 33,4 triệu đồng. Như vậy, mức lương chuyên gia cao cấp có thể tăng gấp 3 lần hiện nay.
Lương lực lượng vũ trang sẽ tính như thế nào?
Tờ trình cũng quy định chế độ nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, mỗi chức vụ có một mức lương. Sau đó cứ đủ 5 năm giữ chức vụ đó (hoặc chức vụ tương đương) thì được hưởng thêm 10%.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, không giữ chức vụ lãnh đạo, thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên là 2 năm/bậc.
Đổi mới căn bản của chính sách lần này là Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Như vậy, sau khi Hội nghị Trung ương 7 thông qua, đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021 với nhiều giai đoạn.
Theo N.HUYỀN (Infonet)