Bệnh xuất hiện có thể do nhiều nguyên nhân, như: Di truyền, tiếp xúc với các tác nhân kích thích, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc viêm phổi mãn tính. Vì thế, việc tuân thủ phương pháp tự chăm sóc và quản lý hen phế quản tại nhà là vô cùng quan trọng, có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát và nâng cao chất lượng sống.
Bệnh thường có các triệu chứng:
- Khó thở: Đây là triệu chứng chính của hen phế quản. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi hít thở trong khi vận động hoặc khi nằm ngủ.
- Ho: Là triệu chứng phổ biến của hen phế quản, thường kéo dài, xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm.
- Khò khè: Âm thanh khi ho có tiếng rít và khó chịu được gọi là khò khè. Đây là triệu chứng thường gặp của hen phế quản. Người bệnh có thể cảm thấy tiếng thở của mình khò khè, đặc biệt khi đang hoặc sau khi vận động.
- Đau ngực: Tình trạng viêm và co thắt đường thở trong hen phế quản có thể gây đau ngực.
- Mệt mỏi: Các triệu chứng của hen phế quản có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và suy giảm sức khỏe.
Tự chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng hen phế quản, giảm nguy cơ tái phát và cải thiện chất lượng sống. Dưới đây là một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà dành cho người bệnh hen phế quản:
- Sử dụng thuốc đúng cách: Tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là điều quan trọng nhất để kiểm soát hen phế quản.
- Thực hành hít khí và các bài tập hô hấp, có thể giúp cải thiện chức năng phổi và giảm triệu chứng hen phế quản. Nằm ngửa, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn, tinh thần thoải mái. Đặt 1 bàn tay lên bụng và 1 bàn tay lên ngực. Hít vào chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển. Thóp bụng lại dần theo nhịp thở ra, thở chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và cảm nhận bụng lõm xuống. Tập thở chậm, sâu, tăng dần số lần hít thở mỗi ngày và không quá sức.
Trong những ngày đầu luyện tập, chỉ nên thực hiện từ 5 - 10 lần mỗi lượt, sau đó thư giãn và thở đều trong 2 - 3 phút trước khi lặp lại lượt tiếp theo. Thực hiện từ 5 - 10 lượt mỗi buổi, tập 1 - 2 lần mỗi ngày. Khi thành thạo, không cần kiểm soát bằng 2 bàn tay đặt trên bụng và ngực; có thể tập ở tư thế ngồi, đứng, thậm chí khi đi lại hoặc làm việc.
- Chăm sóc sức khỏe và lối sống lành mạnh: Kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên và giữ môi trường sống sạch sẽ có thể giúp người bệnh kiểm soát hen phế quản tốt hơn.
- Người bệnh cần được tư vấn để tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích hen phế quản (khói thuốc, bụi và hóa chất).
Hen phế quản cần được kiểm soát thường xuyên để giảm nguy cơ tái phát và cải thiện chất lượng sống. Việc tự chăm sóc tại nhà, sử dụng thuốc đúng cách, thực hành hít khí và các bài tập hô hấp, duy trì lối sống lành mạnh và tránh tiếp xúc với tác nhân kích thích có thể giúp người bệnh kiểm soát hen phế quản tốt hơn. Nếu triệu chứng không được kiểm soát, hoặc xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
CN NGUYỄN KHÁNH DUY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang)