Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm

25/10/2023 - 08:09

 - Về cải cách tiền lương, kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trung ương thảo luận việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024

Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương tạo động lực cho người lao động không chỉ là điều chỉnh tiền lương, mà còn gắn với việc nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Hai việc này phải đi liền với nhau. Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức và phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ. Có biện pháp xử lý với những người làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những người thiếu năng lực. Chúng ta phải làm cả hai mặt, chứ không chỉ cải cách tiền lương không thôi” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh: “Trong cải cách tiền lương, làm sao để cán bộ cơ sở cũng như các ngành, lĩnh vực khác có sự tương đồng với nhiệm vụ, trách nhiệm, tránh có nơi thu nhập cao, có nơi thấp hơn, trong khi nhiệm vụ thì như nhau. Việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương tới đây cần phải phù hợp và tương đồng”. 

Phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến một vấn đề không mới nhưng luôn được người dân quan tâm. Đó là chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đại biểu, nếu được cơ quan thẩm quyền cho phép, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng: Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu.

Chính sách tiền lương ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, cũng phải bảo đảm cho hội nhập quốc tế. Hiện nay, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với những nước già hóa dân số; nếu không có chính sách hợp lý, thì chúng ta có thể "thua ngay trên sân nhà" trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương nhưng một thực tế dễ thấy là mức lương cán bộ, công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp. Chỉ cần so với các nước trong khu vực sẽ thấy một khoảng cách không nhỏ. Lương công chức Việt Nam trung bình khoảng 10 triệu đồng, trong khi Campuchia 17 triệu, Malaysia là 29 triệu đồng, Thái Lan 56,7 triệu đồng. Nêu vấn đề và đại biểu cho rằng sẽ là khập khiễng. Nhưng nếu so sánh với các nước phát triển "vậy chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới?".

Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý thông tin, sau cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, tức từ năm 2025 sẽ thực hiện tăng có lộ trình 5 - 7% tiền lương, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực I của tư nhân. Trong đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương chức danh lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.

Cùng với đó, sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản, không bao gồm phụ cấp; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới, gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Nghị quyết cũng yêu cầu bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Thay vào đó, sẽ xây dựng và ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Về nguồn chuẩn bị cho cải cách tiền lương, theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước đã tích lũy hơn 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026.

N.R