Nhiều nội dung hấp dẫn
"Sau thời gian phòng chống dịch Covid -19, Nhà hát Trần Hữu Trang đang chuẩn bị hoạt động trở lại với khí thế mới, một kế hoạch quảng bá nghệ thuật cải lương đã được chuẩn bị với mục tiêu sẽ sáng đèn các điểm diễn, thu hút khán giả mộ điệu đến với sân khấu cải lương" - ông Phan Quốc Kiệt thông tin.
Theo đó, sẽ công diễn trở lại những tác phẩm sân khấu gắn liền với tên tuổi của nhà hát, đó là những vở của tác giả Trần Hữu Trang, Hà Triều - Hoa Phượng, Năm Châu, Viễn Châu, Nhụy Kiều, Hoàng Song Việt… Diễn viên của các vở cải lương kinh điển này là những nghệ sĩ đã từng đoạt HCV Trần Hữu Trang qua các năm. Chương trình thứ hai là giới thiệu những trích đoạn cải lương nổi tiếng do các nghệ sĩ vừa được giải năm 2020 biểu diễn tại Nhà hát TP HCM, mỗi quý một suất. Chương trình này còn liên kết với các tỉnh - thành phía Nam, đến tận nơi biểu diễn phục vụ khán giả.
Nhà hát và Hội Sân khấu TP HCM còn phối hợp tổ chức các chuyên đề giới thiệu "Tác giả - Tác phẩm" NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) và Hà Triều - Hoa Phượng; chuyên đề "Giao lưu - Truyền nghề" với các nghệ sĩ đã gắn bó tại Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Văn công Giải Phóng.
"Mỗi tháng chương trình này sẽ chào đón khán giả miễn phí, đến giao lưu cùng với các nghệ sĩ ôn lại truyền thống vẻ vang của quá trình "tiếng hát át tiếng bom", để hiểu rõ hơn về nghề qua sự trao truyền đầy tâm huyết cho thế hệ diễn viên trẻ. Đặc biệt, Nhà Truyền thống Cải lương Nam Bộ sẽ khánh thành trong dịp lễ 30-4, đây sẽ là điểm hẹn để các nghệ sĩ gặp gỡ khán giả mộ điệu" - ông Kiệt nói.
Chủ trương tái hoạt động CLB Cải lương thể nghiệm Hội Sân khấu TP HCM cũng đã được hoạch định. Hiện Sân khấu Sen Việt tại tầng 1 tòa nhà 5B Võ Văn Tần của Hội Sân khấu TP HCM đã sáng đèn vào cuối tuần, giới thiệu đến khán giả các vở: "Cưới vợ năm Sửu", "Ngôi Hoàng hậu", "Nhật thực". "Án tình"… Từ ngày 16-3, sẽ có thêm "Phòng trà Sen Việt" với nhiều chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả yêu nghệ thuật cải lương.
Các sàn diễn xã hội hóa của nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà; Bình Tinh - Huỳnh Long; Kim Tử Long, Vũ Luân, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt (của ông bầu Hoàng Song Việt) cũng rất nỗ lực "sáng đèn" và mời các nghệ sĩ được bảo chứng HCV tham gia. "Họ cần có đất diễn để phát huy tài năng và cũng để phục vụ khán giả mê cải lương" - soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.
Đông đảo khán giả tại một sân khấu vùng ven, trong đợt quảng bá sân khấu cải lương của Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang. (Ảnh: KIÊN GIANG)
Để không như lửa rơm
NSƯT Kim Tử Long đặt niềm tin vào kế hoạch mới của Nhà hát Trần Hữu Trang. Theo anh, những vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ đoạt HCV là rất hứa hẹn. "Vừa qua, cuộc thi phân bổ các hạng mục rất hay. Những HCV theo từng sở trường: kép độc, kép hài, đào lẳng, đào võ, đào độc… rất chất lượng, chắc chắn sẽ hấp dẫn khán giả" - NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.
NSƯT Ca Lê Hồng cũng tin rằng những nghệ sĩ đoạt HCV của Giải thưởng Trần Hữu Trang sẽ đủ sức "kéo" khán giả đến sàn diễn 5B dành cho cải lương.
"Bên cạnh 2 chương trình chính thống tại Nhà hát Trần Hữu Trang và Nhà hát TP HCM, Sân khấu 5B sẽ là "đất lành" để các nghệ sĩ đoạt HCV thể hiện, phát huy tài năng của mình phục vụ khán giả thông qua những vai diễn mang tính thể nghiệm mới trong dàn dựng, diễn xuất…" - NSƯT Ca Lê Hồng kỳ vọng.
Nghệ sĩ Trinh Trinh bày tỏ: "Chúng tôi cần điểm diễn thường xuyên, hỗ trợ đầu tư để những sáng tạo mang tính thể nghiệm mới đi vào sàn diễn. Đó là cách để hoàn thiện nghề sau khi được trao HCV. Những kế hoạch hoạt động của Nhà hát Trần Hữu Trang và Hội Sân khấu TP HCM thật ý nghĩa trong giai đoạn này".
Ông Phan Quốc Kiệt cho rằng để kế hoạch quảng bá nghệ thuật cải lương không như lửa rơm phừng cháy rồi tắt thì đề tài kịch bản chọn dựng phải gần gũi, gắn với văn hóa, đạo đức truyền thống. Nhà hát sẽ chủ động đặt hàng các tác giả để có nguồn kịch bản mới mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh niềm trăn trở, khát vọng của người dân TP HCM trong mục tiêu chung tay xây dựng TP trở thành TP văn minh, văn hóa, nghĩa tình.
TP HCM hiện có gần 100 nghệ sĩ cải lương được vinh danh qua các cuộc thi nhưng thiếu nơi quảng bá tài năng của họ. Những sàn diễn cho họ trụ được với nghề ngày càng thưa vắng. Đây là nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua mà các cấp quản lý phải sớm khắc phục để không phí phạm nguồn nhân lực trong lĩnh vực cải lương.
Theo THANH HIỆP (Người lao động)