Cần đánh giá kỹ thị trường gạo khi quyết định xuất khẩu

17/12/2023 - 15:47

Năm 2023 là một năm ghi nhận những nỗ lực trong việc dự báo, điều hành linh hoạt đối với hoạt động xuất khẩu gạo trước những biến động lớn của thị trường gạo nói riêng, cũng như thị trường lương thực nói chung trên thế giới.

Bài toán đặt ra trong năm 2023 đó là làm sao vừa tận dụng được cơ hội trên thị trường, để tăng giá trị thu về từ xuất khẩu gạo, song vẫn đảm bảo được nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, cũng như thể hiện được vai trò của nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường gạo toàn cầu.  

Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN

Với tình hình xuất khẩu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tăng 11% so với năm 2022 (tương đương 0,8 triệu tấn). 

Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với xuất khẩu gạo bởi những xung đột địa chính trị, làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lương thực bị hạn chế, gián đoạn. Cùng đó, hiện tượng El Nino dẫn tới nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là hiện hữu khiến các quốc gia lo lắng cho nguồn cung phục vụ nhu cầu nội địa.

Ngoài ra, một nhóm các nước ngừng xuất khẩu như Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Nga… cũng tạo áp lực nguồn cung lớn đã tăng thêm lo ngại cho thị trường lương thực thế giới. Tuy nhiên, với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhất là lúa gạo, Việt Nam vẫn thực hiện “tròn vai” đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu.

Theo đó, để khắc phục những khó khăn do tác động bên ngoài, Việt Nam đã bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Mặt khác, khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 583/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo các địa phương, vùng trọng điểm lúa gạo thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh sản xuất theo hướng tăng cường bảo quản, chế biến, từng bước nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm…

Vì vậy, mặc dù nguồn cung lúa gạo trong nước đang ở mức thấp những vẫn có cơ sở cho thấy Việt Nam có thể xuất khẩu vượt 8 triệu tấn gạo trong năm 2023. Giá lúa gạo liên tục tăng cao, nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp, cơ hội từ thị trường được xem là ngắn hạn vì thị trường lúa gạo đang được hưởng lợi do sự đột biến của thị trường toàn cầu và sự thay đổi ở một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn. Cùng với việc nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp xây dựng nền sản xuất gắn kết, hiệu quả để tạo sự bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 7,75 triệu tấn với 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh này bởi giá xuất khẩu gạo bình quân tăng 17,3%, đạt 568 USD/tấn. Nhờ nhu cầu mạnh nên hiện giá gạo xuất khẩu đã tăng lên mức 663 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu có giá 658 USD/tấn, vượt xa so với 623 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn hàng Pakistan. Việc giá gạo tăng cao, vượt xa sản phẩm cùng loại của các nước, cũng khẳng định được chất lượng của gạo Việt trên thị trường thế giới. Đặc biệt khi vừa qua, gạo ST 25 một lần nữa được giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tháng 12 không phải là tháng cao điểm thu hoạch lúa của Việt Nam nên nguồn cung trong nước có thể hạn chế. Tuy nhiên, các nước xung quanh Việt Nam đang thu hoạch, nguồn cung này có thể chuyển sang Việt Nam bởi giá lúa gạo trong nước đang khá cao. Nên khả năng nguồn hàng để có thể đảm bảo xuất khẩu trên 8 triệu tấn không khó.

Theo ông Vũ Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Đại Dương, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao và đây là lợi thế nhưng cũng là rủi ro. Lợi thế là các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhanh, đạt hiệu quả cao nhất khi Ấn Độ đang tạm ngừng xuất khẩu. Nhưng rủi ro với doanh nghiệp tích trữ sản phẩm, gom hàng nhằm đẩy giá lên. Nếu doanh nghiệp không đánh giá đúng, chuẩn thị trường, mục tiêu sản phẩm thì khi gặp những động thái từ Ấn Độ hay Trung Quốc thì thị trường sẽ thay đổi ngay. 

"Bất kỳ động thái của các nhà sản xuất hàng đầu như Ấn Độ, Trung Quốc có thể gây biến động về giá cả", ông Vũ Văn Đồng đánh giá. Ông Vũ Văn Đồng chia sẻ, doanh nghiệp không dám ký đơn hàng có thời hạn xa để tránh rủi ro về giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát các biến động thị trường theo ngày, đánh giá rủi ro để đưa ra quyết định.

Với mặt bằng giá lúa gạo ở mức cao kéo dài thời gian vừa qua, các doanh nghiệp hi vọng giá gạo trong vụ Đông Xuân tới sẽ ổn định hơn và đứng ở mức giá cao để có lợi cho nông dân. Giá gạo xuất khẩu tương lai xa có thể xuống nhưng cũng khó xuống mạnh và khả năng sẽ về khoảng 600 USD/tấn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam luôn thương mại hóa trong xuất khẩu nên định hướng sản xuất là luôn tạo sự khác biệt, để tạo giá trị cao hơn. Cả nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cũng đang đi hướng này. Đây là thế mạnh mà ngành nông nghiệp nên quan tâm và không nên coi sức mạnh lúa gạo Việt Nam là an ninh lương thực mà là sức mạnh thương mại để phát huy hơn nữa giá trị lúa gạo.

Kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đã để lại những bài học kinh nghiệm trong điều hành, tận dụng thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, đây cũng là cơ hội ngành gạo xúc tiến thương mại tìm những thị trường mới, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam. Từ đó, đặt nền tảng đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh... Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Theo TTXVN