Cần giảm thiểu tác động cho các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong

25/12/2019 - 09:32

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội của quốc gia và của khu vực, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học. Từ đó mới có thể có các giải pháp khả thi và phù hợp với thực tiễn, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực.

Quang cảnh hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang của Lào.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong lưu vực Mekong thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mekong nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng. Đặc biệt, trước mắt quá trình tham vấn cho thủy điện dòng chính Luông Prabang cần phải trở thành hình mẫu cho áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động cho các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho biết, ở vùng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có 2 hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng Hạ lưu vực sông Mekong, bao gồm cả ĐBSCL. Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa ĐBSCL của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa bùn cát về phía hạ du. Cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm của lưu vực sông Mekong và quan trọng hơn nữa tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.

Tại vùng Hạ lưu sông Mekong, các nước: Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính; trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước và Campuchia có 2 công trình. Đến nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông; và Ủy hội Sông Mekong quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho hai công trình là Pắc-Beng và Pắc-Lay.

Ngày 31-7-2019, Ủy ban Sông Mekong quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai dự án thủy điện Luông Prabang của Lào trên dòng chính sông Mekong.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mekong, đặc biệt là thủy điện dòng chính luôn là một chủ đề nóng, đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm và cũng gây ra nhiều mối quan ngại đối với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại ĐBSCL về các tác động tiêu cực do các công trình thủy điện gây ra. Khác với các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong trước đây, công trình thủy điện Luông Prabang của Lào sẽ có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam nên càng thu hút nhiều hơn sự quan tâm và chú ý của dư luận xã hội.

Trên cơ sở thông báo của Lào và Căn cứ Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (năm 1995) Ủy hội Sông Mekong quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện LuôngPrabang từ ngày 8-10-2019. Tại Việt Nam, việc tham vấn nhằm đưa ra các đề xuất nhằm hạn chế thấp nhất các tác động ảnh hưởng đến hạ lưu trong quá trình xây dựng thủy điện của Lào.

Sau giai đoạn tham vấn đầu ở cấp vùng ít nhất trong thời gian 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mekong quốc tế sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành
viên nhằm quyết định sẽ tiếp tục tham vấn hay tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Tại hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện Luang Prabang của Lào, diễn ra ngày 4-11-2019, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tỉnh của ĐBSCL, đa số các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học thể hiện sự quan ngại về dự án thủy điện Luang Prabang của Lào trên sông Mekong dự kiến khởi công vào ngày 1-7-2020.

Theo bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, công trình Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại Km 2.036 cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Các thông số chính của công trình bao gồm diện tích lưu vực: 231.329 km2, tổng dung tích hồ chứa: 1.256 triệu m3, công suất thiết kế: 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam. Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang của Lào, bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu và Công ty TNHH PT của Lào nắm giữ 37%. Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến, sau quá trình tham vấn trước (tháng 4-2020), công trình sẽ được khởi công xây dựng từ ngày 1-7-2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027.

Ngoài thủy điện Luang Prabang đang lấy ý kiến, trên dòng chính hạ lưu sông Mekong, các nước: Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện.

Theo Ủy ban sông Mê Kông: dù tác động riêng công trình thủy điện Luông Prabang có thể là không lớn do ở xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mê Kông là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam. Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

Với tiềm năng thuỷ điện trên sông Mê Kông của Lào, để góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trong bối cảnh khó khăn của quốc gia, Lào vẫn đặt phát triển thủy điện lên ưu tiên hàng đầu và kêu gọi đầu tư. Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt là về thuỷ điện. Việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án thuỷ điện Luông Prabang đã được cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường, và xã hội.

Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đối với phát triển thuỷ điện dòng chính sông Mê Kông. Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế, đến xây dựng và vận hành công trình, chủ động nghiên cứu giám sát tác động, đồng thời triển khai và thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với ĐBSCL.

 Trong lưu vực Mê Kông, Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn, luôn tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông (ký kết năm 1995) và Bộ Quy chế giám sát sử dụng nước, trước hết là vì lợi ích của quốc gia, và hài hoà hợp tác toàn lưu vực. Hiệp định Mê Kông 1995 không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền

vững dòng sông Mê Kông và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra. Do vậy, mặc dù Việt Nam có sự tham gia đầu tư vào dự án thuỷ điện Luông Prabang, mọi quy trình, thủ tục thực hiện tham vấn đối với Dự án này sẽ được hoàn toàn tuân thủ theo các quy định liên quan và phù hợp của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế. Trong quá trình tham vấn, rà soát, đánh giá tài liệu dự án do Lào nộp, mọi tác động xuyên biên giới của công trình đối với hạ du, đặc biệt đối với ĐBSCL sẽ được xem xét kỹ lưỡng.  

Đánh giá về tác động của thủy điện này đối với vùng hạ lưu là Việt Nam, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu sông Mê Kông rất nghiêm trọng và tác động này đã thấy rõ khi 11 công trình thủy điện của Trung Quốc nằm ở thượng lưu đã vận hành, lưu giữ lại đến hơn 50% tổng lượng phù sa, bùn cát hằng năm đổ về hạ lưu là ĐBSCL.

ĐBSCL đã, đang và sẽ phải gánh chịu tất cả các tác động không nhỏ từ các hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng như: sạt lở, sụt, lún, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng đã xuất hiện từng ngày, từng giờ đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân vùng ĐBSCL.

Đại diện các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp đều đưa ra những con số đáng lo ngại khi trong 10 năm (2008-2018), tổng lượng phù sa của ĐBSCL giảm 37,9%. Do đó, việc xây đập sẽ gây thiếu nước, xâm nhập mặn tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và hệ sinh thái. Theo TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ), tác động tiêu cực của chuỗi đập trên sông Mekong thời gian qua đã quá rõ thông qua các báo cáo dòng chảy, phù sa, thủy sản, nguồn sống của cộng đồng dân cư ở ĐBSCL. Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cho thấy mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 550ha đất khiến hàng ngàn hộ dân mất sinh kế, mất nhà cửa. Hiệu ứng của đập thủy điện giống như domino, nhiều công trình cộng dồn sẽ tạo tác động lớn, nặng nề và không thể khắc phục.

Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội Sông Mekong quốc tế trước khi xây dựng công trình.

Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ

của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thuỷ điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mekong và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Bắt đầu từ tham vấn dự án thủy điện Pắc Beng, Pắc Lay, việc đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng… cũng đã được các quốc gia chú trọng và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, và sẽ tiếp tục như vậy đối với Dự án thủy điện Luông Prabang.

Các hoạt động tham vấn của Việt Nam trong thời gian tới về Dự án thủy điện Luông Prabang do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam chủ trì sẽ được thực hiện từ tháng 10-2019 đến tháng 4-2020, bao gồm: đánh giá tác động sơ bộ của Dự án thủy điện Luông Prabang, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Luông Prabang do Lào nộp và báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Ủy hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội Sông Mekong quốc tế.

Hội thảo tham vấn vùng lần thứ nhất về Dự án thủy điện Luông Prabang của Lào được tổ chức ngày 6-11-2019 tại Viên Chăn (Lào). Hội thảo có sự tham dự đông đảo của các bên liên quan trong khu vực và quốc tế. Tại hội thảo, thông tin về Dự án thủy điện Luông Prabang, các đánh giá ban đầu về dự án và kế hoạch tham vấn vùng sẽ được cung cấp cho các bên liên quan.

 Vòng 2 của các hội thảo tham vấn vùng và quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1 hoặc tháng 2-2020 để thảo luận và đóng góp ý kiến về báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện Luông Prabang do Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong quốc tế chuẩn bị. Các đánh giá của Nhóm công tác quốc gia, tập trung vào thông tin, số liệu, phương pháp, tác động của công trình Luông Prabang đối với các lĩnh vực và các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình Luông Prabang.

HẠNH CHÂU