Cần giữ gìn cây trâm vùng Bảy Núi

09/05/2019 - 08:14

 - Tuy là loại cây gỗ tạp bình thường, không bị cấm mua bán nhưng cây trâm vùng Bảy Núi mang nét đặc thù riêng, gắn bó với đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Cây trâm không chỉ tạo bóng mát, giúp bà con nghỉ ngơi giữa những cánh đồng ruộng trên, mà còn cho thu hoạch trái, tạo thêm thu nhập cho người dân và sức hấp dẫn của vùng Bảy Núi.

Ồ ạt bứng trâm cổ thụ

Ở khu vực núi Cô Tô (Tri Tôn), không khó để bắt gặp những hàng trâm xanh mướt chạy dọc theo những bờ đê ruộng trên. Có nơi, trâm mọc thành vườn xanh um, làm dịu đi cái nắng gay gắt của vùng núi. Với đặc thù tán rộng, tạo nhiều bóng mát, những cây trâm cổ thụ trở thành nơi lý tưởng để nông dân Khmer ngồi nghỉ chân, ăn uống, trò chuyện sau thời gian lao động mệt nhọc dưới cái nắng đặc thù của vùng ruộng trên. Khi những cơn mưa đầu mùa rớt hạt là lúc bắt đầu mùa trâm. Trái trâm được bày bán khắp nơi, tập trung nhiều nhất trên các tuyến đường có nhiều phương tiện qua lại, các điểm du lịch, sân chùa, các chợ vùng Bảy Núi… Trái trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, nếm vào có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát, để lại ấn tượng khó quên. Đặc thù của loại trái này là sau khi ăn, màu tím còn lưu trên môi, trên lưỡi.

Những gốc trâm được bứng, tập kết, chuẩn bị chuyển đi

Dù không phải tốn công chăm sóc nhưng vào mùa trâm chín, nhiều gia đình Khmer có thu nhập khá từ loại cây này. Với những người leo trâm giỏi, từ sáng đến chiều, có thể hái được cả chục kg trái. Chị Néang Chep (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn) cho biết, nhà có 3 gốc trâm cổ thụ, bình quân mỗi ngày gia đình hái trên 15kg trái chín, bán tại chỗ do người đi đường với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. “Vào mùa trâm, gia đình tôi kiếm hơn 300.000 đồng/ngày, khỏe hơn đi làm thuê. Mùa trâm chín thường kéo dài đến giữa tháng 5 (âm lịch). Với gia đình có nhiều gốc trâm, sản lượng lớn, thương lái đến tận vườn thỏa thuận giá thu mua và đặt cọc trước, mỗi mùa trâm có thể kiếm được vài chục triệu đồng” - chị Néang Chep chia sẻ.

Tuy nhiên, mùa trâm năm nay, số lượng trái giảm hẳn. Nguyên nhân do những tháng gần đây, người dân ồ ạt bứng gốc trâm bán cho thương lái chở ra miền Bắc tiêu thụ, tập trung nhiều nhất ở khu vực xã Núi Tô và Cô Tô (Tri Tôn). Tại vùng này, hình thành hẳn đội chuyên bứng gốc trâm. “Họ tập trung mua những gốc trâm lớn, từ vài chục đến cả trăm năm tuổi, 2 - 3 người ôm không xuể. Có những tay “cò” chuyên đi săn gốc trâm đẹp, thỏa thuận giá mua rồi thuê chúng tôi bứng. Sau đó, thuê xe cẩu móc, xe tải vào vườn vận chuyển ra khu vực cầu 13, cầu 15 để tập kết lên xe chuyên dụng chở ra ngoài Bắc” - anh Chau An (một người trong đội bứng trâm) thông tin.

Đừng vì lợi ích trước mắt

Theo một tay “cò” mua trâm, đến nay, có ít nhất 1.000 cây trâm lớn đã bị bứng đi khỏi địa phương. “Các đại gia ngoài Bắc bây giờ rất ưa chuộng cây trâm bởi gốc cây đẹp, xanh um quanh năm, cho nhiều bóng mát, thích hợp trồng trong biệt thự sân vườn, khu du lịch. Chi phí vận chuyển từ đây ra ngoài Bắc khoảng 60 triệu đồng/cây, bán lại hơn 100 triệu đồng” - tay “cò” này giới thiệu.

Tuy nhiên, trong số tiền cả trăm triệu đồng đó, bản thân những chủ vườn trâm chỉ được hưởng khoảng 10%. “Hình ảnh những cây trâm trên bờ ruộng, gò cao đã trở nên quen thuộc với tuổi thơ bao thế hệ. Mặc cho lũ núi, hạn hán, lá trâm đều xanh mướt quanh năm, giống như những cây dù khổng lồ trên vùng núi, giúp bà con che nắng, trú mưa. Mỗi cây trâm bằng tuổi cả một đời người mà chỉ bán được khoảng 10 triệu đồng, chỉ bằng tiền thu từ bán trái trong 4 - 5 năm, trong khi để có cây trâm lớn, phải mất đến cả trăm năm” - đại diện Ban Nhân dân ấp Tô Thuận (xã Núi Tô) bộc bạch.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, thấy tình trạng người dân bứng cây trâm bán, địa phương cũng bức xúc bởi đây là loài cây tạo ra nét rất riêng cho vùng núi. Tuy nhiên, do không có quy định cấm mua bán, vận chuyển nên địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động để người dân đừng vì lợi ích trước mắt mà bứng đi những cây trâm cổ thụ. Đồng thời, chỉ đạo công an huyện tăng cường kiểm soát bằng cách cấm chở quá tải, hạn chế việc vận chuyển ồ ạt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, trâm là loại cây ăn quả bình thường, được trồng theo bờ đê ruộng trên, không thuộc khu vực đất rừng phòng hộ nên được mua bán. “Tuy nhiên, những hàng trâm cổ thụ đã tạo thành hình ảnh đẹp, cảnh quan xanh mát vùng Bảy Núi, thu hút du khách gần xa, tạo thêm thu nhập cho người dân vào mùa trái chín. Chúng tôi rất mong người dân hãy vì lợi ích lâu dài mà giữ lại loài cây đặc thù này” - ông Lâm đề nghị.

“Sắp tới, ngành kiểm lâm sẽ nghiên cứu nhân giống những loại trâm cho trái to, ngọt, có giá trị kinh tế cao để hỗ trợ người dân trồng cây phân tán, đặc biệt là vùng Bảy Núi. Chúng tôi kỳ vọng, khi hiệu quả kinh tế tăng lên, người dân sẽ yên tâm bảo tồn, bảo vệ loài cây này” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN