.jpg)
Duy trì sản xuất nhỏ lẻ tại hộ gia đình trong thời gian giãn cách xã hội
Nằm trong vùng áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được bao lâu, các hộ sản xuất bánh phồng ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) tiếp tục gặp khó khi địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và các biện pháp tăng cường. Do hạn chế về lưu thông, nhập nguyên liệu, đầu ra, các làng nghề khác đối mặt tình trạng tương tự, chỉ còn sản xuất nhỏ lẻ tại nhà, hoặc ngưng hoạt động, như: nghề mộc, nghề chằm nón ở huyện Chợ Mới, dệt thổ cẩm ở TX. Tân Châu, bó chổi cọng dừa ở huyện Thoại Sơn, bó chổi bông sậy ở huyện Phú Tân, các nghề sản xuất ngư cụ trong mùa nước nổi…
“Mùa nước nổi là thời điểm hàng trăm hộ làm chổi bông sậy đẩy mạnh sản xuất, thị trường cung ứng trong và ngoài nước. Ở đâu cũng khó khăn như nhau nên đành phải chờ khi tình hình khả quan hơn. Khách hàng, các cơ sở và lao động làng nghề rất chia sẻ về điều này” - chị Thu Thủy (chủ một cơ sở sản xuất chổi bông sậy ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân) cho biết.
Ở làng nghề đan đát xã Long Giang (huyện Chợ Mới), ngoài tiêu thụ theo mối truyền thống, làng nghề còn tìm kiếm nhiều đầu ra mới thông qua địa chỉ website. Nơi đây hiện có 150 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, chuyên sản xuất thúng, rổ bằng tre và trúc. Ông Đinh Hùng Cường (Tổ trưởng làng nghề đan đát) cho hay, do thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn hộ dân làm nhỏ lẻ tại nhà, nhờ còn dự trữ nguồn nguyên liệu, song chỉ hoạt động cầm chừng, sản lượng giảm sút nhiều.
Theo ông Cường, lao động ở làng nghề vừa làm sản phẩm, vừa sản xuất nông nghiệp và nhiều công việc khác. Bên cạnh đó, các hộ dân được chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nên dù tạm ngưng việc, đời sống không đến nỗi khó khăn. Chỉ có điều, tiêu thụ hàng gặp trở ngại. Đặc biệt, nguyên liệu sản xuất ở làng nghề hầu hết đều mua ở ngoài tỉnh, như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
“Theo thường lệ, thời điểm này làng nghề đã vào vụ sản xuất rộ nhất trong năm, kéo dài đến tháng 3 (âm lịch) năm sau, làm bao nhiêu được tiêu thụ hết. Vì vậy, chúng tôi mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, mọi người sớm trở lại sản xuất” - ông Cường chia sẻ. Không nằm ngoài tác động của dịch bệnh COVID-19, làng trồng hoa ở xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) nhiều tháng qua không thể tiêu thụ khi gặp khó đầu ra. Nghề trồng hoa là kinh tế chính của hơn 20 hộ dân, hiện nay nhiều hộ tạm ngưng để chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày.
Bà Trần Như Ý (Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa) cho biết, dịp rằm tháng 7 (âm lịch) là một trong những đợt tiêu thụ hoa lớn trong năm thì địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-Tg của Thủ tướng Chính phủ. Hoa đến ngày thu hoạch không bán được, phần lớn bỏ mặc tại vườn. Hiện nay, mặc dù tình hình đã "hạ nhiệt" nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ trong phạm vi nhỏ. Bà Ý liên hệ với bạn hàng và xin địa phương hỗ trợ bằng cách cho phép giao - nhận hoa tập trung tại chốt kiểm soát dịch COVID-19. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội Zalo để quảng bá, kết nối với bạn hàng mua sỉ (hoặc khách hàng lẻ mua từ 10 cây trở lên) gửi bán qua đường bưu điện, phần nào giải quyết đầu ra cho tổ hợp tác.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến các cơ sở sản xuất gặp khó khăn do sức mua giảm, thị trường tiêu thụ “tạm ngủ đông”. Nhưng nhìn ở mặt tích cực, thách thức từ dịch bệnh đã thúc đẩy các làng nghề, cơ sở sản xuất thay đổi phần nào phương thức bán hàng, quảng bá sản phẩm, “chập chững” làm quen với thương mại điện tử. Một số cơ sở tuy chưa thể vận chuyển nhưng đã “chốt đơn” với nhiều đối tác thông qua mạng xã hội, kênh thương mại điện tử. Không chỉ tìm cách thích nghi trong điều kiện hiện nay, các cơ sở nhận ra sự cần thiết khi tiếp cận công nghệ để tìm kiếm khách hàng tốt hơn, nhạy bén hơn trong mùa dịch bệnh.
Cùng với nỗ lực nội tại, các cơ sở mong muốn có thể tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn để có thể phục hồi sản xuất trong thời gian tới. Cần có sự rà soát, đánh giá tổng thể ở mỗi địa phương để đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm giảm bớt phần nào tác động kinh tế, giúp cơ sở duy trì sản xuất. |
MỸ HẠNH