An Giang không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” với Thiên Cấm Sơn (TX. Tịnh Biên), có khí hậu trong lành, mát mẻ như tên gọi “Đà Lạt miền Tây”. An Giang còn được biết đến với những điểm DL tâm linh nổi tiếng, như: Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang...
Ngoài ra, An Giang còn có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (TP. Long Xuyên) với nhà lưu niệm thời niên thiếu, đền thờ và nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn. Khu du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn) còn được gọi “Ngọn đồi 2 triệu đô-la” gắn với trận đánh oai hùng 128 ngày đêm của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chùa Xvayton (huyện Tri Tôn) hơn 300 năm tuổi có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp, nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên) là một trong những khu rừng ngập nước đẹp nhất miền Tây Nam Bộ… Hàng năm, những nơi này thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hành hương, chiêm bái cầu bình an, sức khỏe, may mắn...
Núi Cấm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài địa phương
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, 6 tháng đầu năm 2023, An Giang đón khoảng 6 triệu lượt du khách; doanh thu từ DL khoảng 3.900 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ và đạt 71% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, đi kèm sau những giây phút vui vẻ trải nghiệm đó, một bộ phận du khách thiếu ý thức đã không ngần ngại “gửi” lại môi trường những túi rác thải.
Tại các điểm check-in nổi tiếng được rất nhiều người biết đến, như: Hồ Soài So, hồ Tà Pạ, hồ Soài Chek, suối Thanh Long, suối Ô Đá, suối Otuksa… thường có rất đông du khách, các bạn trẻ tìm đến khám phá, chụp ảnh vào cuối tuần. Điều đáng nói, một số du khách đến đây thường để lại những “tàn dư” sau cuộc vui, như: Túi ny-lon, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, vỏ lon bia, nước ngọt... nằm ngổn ngang dưới các tán cây, hốc đá mà không thu gom mang về khiến du khách đến sau rất bất bình. Anh Nguyễn Văn Luân (huyện Tri Tôn) bức xúc: “Nhiều người tới với đồ ăn, thức uống, nhưng ra về thì chỉ có tay không, rác thì bỏ lại tùm lum”.
Du khách “gửi rác” lại khi đi qua các địa điểm tham quan’’
Dọc theo đường lên núi Cô Tô, các đường mòn đi bộ lên các vồ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn không chỉ có rác mà còn có vô số ống hút, túi ny-lon, thậm chí là khẩu trang cá nhân đã qua sử dụng được những du khách cột lên cành cây, ngọn cỏ, bờ rào, dây giăng hai bên đường. Đây là cách một số người hành hương “gửi bệnh” và những điều không may mắn lại trên núi.
Vì vậy, những người dân sinh sống quanh các khu vực này phải thường xuyên dọn dẹp những cách “gửi bệnh” này để bảo vệ cây trái, vườn tược, cảnh quan núi non, quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sống hàng ngày. Điều đáng nói là tại các khu, điểm DL đã đặt rất nhiều thùng rác và biển cảnh báo: “Cấm xả rác”, “Nói không với vứt rác bừa bãi”, “Không vứt rác nơi công cộng”... nhưng dường như không có tác dụng đối với những người thiếu ý thức. Có thùng rác để sẵn nhưng cũng chẳng thèm quan tâm, những chai nước uống xong được để tại chỗ, rác vẫn nằm kế bên gốc cây, dưới gầm ghế hay quăng kế bên thùng rác. Nếu mỗi du khách không có ý thức tự giác bảo vệ môi trường chung thì đây chính là mối đe dọa rác thải cho các điểm đến hấp dẫn của tỉnh.
Đáng mừng là nhiều du khách bỏ rác đúng nơi quy định tại các điểm DL hoặc mang đi nếu gần đó không có thùng rác. Chị Phạm Thị Minh Châu (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Đến núi Cấm, cảm nhận của tôi là khung cảnh thơ mộng giữa núi rừng và không khí trong lành. Để giữ gìn vệ sinh môi trường, tôi cùng đoàn du khách luôn có ý thức đảm bảo vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định”.
Ngoài ra, còn có những nhóm bạn trẻ nhiệt huyết vừa tổ chức đi DL kiêm luôn việc nhặt rác nhằm góp một phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường DL thân thiện xanh - sạch - đẹp, trong lành. Em Bùi Anh Tuấn (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Chúng em lên kế hoạch một chuyến đi chơi và chuẩn bị thêm các vật dụng nhặt rác. Hy vọng thấy bọn em nỗ lực, các du khách sẽ nâng cao ý thức, không vứt rác bừa bãi”.
Ông Nguyễn Văn Hoài (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Vứt rác bừa bãi ra đường và nơi công cộng là thói quen rất xấu. Do đó, mọi người phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch sẽ”.
Để cảnh quan môi trường nói chung, tại các khu, điểm DL, địa điểm “check-in” hấp dẫn được sạch sẽ, trong lành, hy vọng mỗi người chúng ta hãy tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chủ động thu gom rác thải và tập kết đúng nơi quy định.
TRỌNG TÍN