Toàn tỉnh hiện có 17 DN ngành dệt may có tổ chức công đoàn, với tổng số 15.657 người, trong đó có 11.574 lao động nữ. Hầu hết các CĐCS ngành dệt may đều xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, quy chế phối hợp và có sự phân công nhiệm vụ từng thành viên trong ban chấp hành. Các DN tuân thủ đúng quy định pháp luật về chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cũng như điều kiện làm việc của NLĐ. Trong ngành dệt may, thu nhập trung bình của NLĐ khoảng 6,5 triệu đồng (có những trường hợp thu nhập dưới 6,5 triệu đồng, nhưng vẫn cao hơn mức lương tối thiểu vùng); thời gian làm việc không quá 48 giờ/tuần.
Thời gian qua, các DN vẫn tổ chức cho NLĐ làm thêm, nhưng vẫn đảm bảo thời gian làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày hay không quá 200 giờ trong 1 năm. Bên cạnh đó, DN vẫn đảm bảo bố trí thời gian nghỉ ngơi cho NLĐ đúng quy định pháp luật, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Các DN chấp hành nghiêm quy định pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, xây dựng môi trường làm việc thông thoáng, xanh, sạch, đảm bảo an toàn cho NLĐ trong quá trình sản xuất.
Cần tạo ra nhiều chính sách phúc lợi cho người lao động bên cạnh những chính sách tiền lương, thưởng cho lao động ngành may mặc
Việc tổ chức đối thoại trong các DN chuyển biến tích cực, vai trò của CĐCS ngày càng phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn, linh hoạt hình thức tổ chức tùy vào điều kiện thực tế của DN để lồng ghép những nội dung liên quan đến quyền lợi giữa chủ DN với NLĐ. Bên cạnh đó, bằng nhiều hình thức tổ chức đối thoại, công đoàn nắm được tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của NLĐ và kịp thời trao đổi với chủ DN để tháo gỡ, giải quyết, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định trong DN, nên từ đầu năm đến nay không xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công tại DN.
Có 16/17 DN ngành dệt may có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (1 DN mới thành lập CĐCS đang trong quá trình thương lượng xây dựng nội dung thỏa ước lao động tập thể). Chất lượng thỏa ước lao động tập thể được nâng lên qua từng năm, trong đó có nhiều nội dung chế độ, phúc lợi của NLĐ cao hơn quy định pháp luật được đưa vào thỏa ước, như: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ phúc lợi vào dịp lễ, Tết…
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, bên cạnh những mặt chuyển biến, mặt bằng chung tiền lương, thu nhập trả cho NLĐ tại DN may mặc còn nhiều tồn tại. Chính sách tiền lương trong DN hiện nay chưa thực sự mang lại nhiều đãi ngộ cho NLĐ, hầu hết tiêu chí tăng lương chủ yếu dựa vào điều kiện thâm niên, tay nghề chuyên môn, hiệu quả công việc… Ngoài các chế độ theo quy định của pháp luật, như: Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, các phụ cấp theo vị trí công việc, lương cho các ngày nghỉ thì các phúc lợi lâu dài nhằm giữ chân NLĐ chưa được DN thực hiện.
Quy định tiền lương tối thiểu vùng hiện nay tại các khu vực, nhất là tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Khu Công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) áp dụng vùng 3. Theo mức này còn thấp so với nhu cầu về tiền lương của NLĐ và giá trị năng suất NLĐ mang lại. Nguyên nhân do phần lớn DN không mong muốn công đoàn tham gia quá sâu về tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi. Trình độ kiến thức của cán bộ công đoàn về vấn đề tiền lương đôi lúc còn hạn chế nên một số đòi hỏi mang tính thuyết phục chưa cao và dẫn đến thương lượng không thành công. Do cơ chế, nên cán bộ CĐCS DN vẫn chưa thể tự quyết định hay mạnh dạn và dành nhiều thời gian cho hoạt động công đoàn (do họ hưởng lương từ người sử dụng lao động) nên hiệu quả hoạt động của CĐCS tại DN chưa cao.
LĐLĐ kiến nghị các ngành chức năng tăng cường đối với công tác kiểm tra pháp luật lao động về tiền lương, đối thoại thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập của NLĐ. Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện khi DN có thay đổi về cơ cấu, sắp xếp lại lao động. Đơn vị cũng đề nghị sở, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp trong việc rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ DN quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nội dung đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập của NLĐ. DN cần quan tâm hơn đối với việc tạo ra nhiều chính sách phúc lợi cho NLĐ bên cạnh những chính sách tiền lương, thưởng đã quy định, có như thế mới giữ chân NLĐ gắn bó, làm việc lâu dài tại DN. Phía NLĐ cũng cần được tuyên truyền, khuyến khích tự giác, nêu cao ý thức trong lao động.
MỸ HẠNH