Cần thay đổi tư duy công tác phân luồng học sinh chỉ dựa vào điểm số

26/04/2024 - 09:18

Chiều 25/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An tổ chức hội nghị triển khai công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông năm 2024.

Chú thích ảnh

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông năm học 2022 - 2023. Ảnh (tư liệu) minh họa: Đức Hạnh/TTXVN

Trong năm 2023, Long An đạt các chỉ tiêu đề ra trong công tác phân luồng gồm: 100% trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, việc phân luồng vẫn còn một số hạn chế, đó là: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở chọn học nghề với trình độ sơ cấp, trung cấp là 17,78% (tăng rất ít so với năm 2022, tăng 0,99%); không đạt chỉ tiêu đăng ký là 27,92%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông chọn học nghề với trình độ cao đẳng là 15,82% (tăng ít so với năm 2022, tăng 1,46%); không đạt chỉ tiêu đăng ký là 40,22%.

Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại do nguồn kinh phí dành cho công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng còn thiếu; công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các ngành các cấp chưa đồng bộ; thiếu thông tin về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động; chưa thực hiện tốt việc vận động tuyên truyền phụ huynh, học sinh; các trường nghề, nhất là trường ngoài công lập, doanh nghiệp phái cử, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm… muốn tiếp cận trường Trung học cơ sở để tư vấn hướng nghiệp là rất khó.

Nhưng quan trọng trên hết vẫn là vấn đề tâm lý xã hội. Tâm lý muốn làm thầy không muốn làm thợ, đại học là con đường thành công nhanh nhất, duy nhất vẫn ăn sâu vào tiềm thức nhiều bậc phụ huynh, trong khi thực tế là cử nhân vẫn có thể thất nghiệp nhiều nếu không học đến nơi đến chốn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho rằng: Công tác phân luồng học sinh còn dựa vào điểm số là chính, đây là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề rất ít. Việc dựa vào điểm số đã tạo nên mặc cảm trong tâm lý phụ huynh và học sinh khi chọn học nghề, nên chăng quá trình tư vấn bắt đầu từ sở thích, năng lực, niềm đam mê của mỗi học sinh. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu, đề xuất UBND tỉnh để khắc phục những khó khăn tồn tại.

Trước mắt, năm 2024, Long An đặt ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu cấp học, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để tìm hiểu và nắm rõ năng lực của con em mình; nâng cao nhận thức hướng nghiệp và phân luồng học sinh đối với các bậc phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông, về nhu cầu lao động và thị trường lao động; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông…

Theo TTXVN