Bên ngăn cản, bên tha thiết yêu cầu nạo vét
Ở tuổi ngoài 80, vợ, chồng ông Đỗ Văn Nghỉnh và bà Võ Thị Thạnh (ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong) chưa bao giờ hết nỗi lo SL bờ sông. Căn nhà hiện tại ông, bà đang ở đã phải dời lần thứ 5, tương đương với số lần di dời của đoạn đường cặp bờ sông. “Vài chục năm trước, khoảng cách từ mép nước sông Hậu vào đến lộ nhựa hiện nay hơn 350m nhưng giờ đã “ăn” sát con đường. SL vẫn tiếp tục nếu dòng nước cứ “đạp” vào bờ” - ông Nghỉnh lo lắng. Ông Dương Văn Bạc (61 tuổi, ngụ cùng ấp Vĩnh Lợi 2) nhận xét: “Hồi tôi 7-8 tuổi, phía Vĩnh Trường không có nhà ở bãi bồi nhưng giờ phần đuôi Vĩnh Trường đã kéo dài ra hơn 300m. Chính quyền đã đóng cọc, xác định phần bãi bồi thuộc sở hữu Nhà nước rộng từ vài chục đến cả trăm mét”.
Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Lợi 2 Phạm Văn Mạnh cho biết, gần 500 hộ dân ở khu vực bờ Châu Phong đã phải vào ở trong khu dân cư do SL gây mất nhà cửa. “Khi lấy ý kiến người dân về dự án nạo vét lòng sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy, 100% hộ dân phía bờ Châu Phong đều đồng ý” - ông Mạnh thông tin.
Vợ, chồng ông Đỗ Văn Nghỉnh và bà Võ Thị Thạnh đã 5 lần dời nhà do SL bờ sông Châu Phong
Trong khi đó, một bộ phận người dân “xóm dừa” (bờ Vĩnh Trường) lại phản đối việc nạo vét thông luồng do lo ngại SL. “Chúng tôi đề nghị địa phương phải công khai, minh bạch thông tin về nạo vét, phải lập hiện trạng về nhà ở, đất sản xuất và cam kết bồi thường cho dân nếu SL xảy ra”- ông Nguyễn Văn Khang (ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường) yêu cầu. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường Nguyễn Văn On cho biết, địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân, thông tin về dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy. Trong các lần họp, các nhà khoa học, ngành chuyên môn đã phân tích, đánh giá về sự cần thiết của dự án cũng như các giải pháp đảm bảo an toàn bờ Vĩnh Trường. Chính quyền địa phương đã niêm yết công khai các văn bản liên quan dự án để người dân nắm bắt. “Đa phần người dân đều đồng ý, việc một số hộ phản đối là do chưa hiểu rõ về dự án, lo lắng SL. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, đồng thuận” - ông On nhấn mạnh.
Công trình cấp bách
Nhằm đảm bảo tính khách quan của Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đoạn sông Hậu (qua xã Vĩnh Trường và Châu Phong), tỉnh đã mời Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL) Miền Nam tiến hành khảo sát thực tế, khoang lấy mẫu phân tích, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hiện trạng. Kết quả cho thấy, đoạn bờ trái sông Hậu (từ kênh Xáng Tân An đến phà Châu Giang dài 6,9km, thuộc xã Châu Phong) đã diễn ra SL mạnh, liên tục trong nhiều năm. Nguyên nhân do khu vực đoạn sông chảy qua khúc cua cong, dòng chảy áp sát và gây xâm thực phía cung bờ lõm với tốc độ từ 5-10m/năm. Một số cung sạt ăn sâu vào bờ và đang có xu hướng mở rộng. Ngược lại, phía bờ sông đối diện (xã Vĩnh Trường) lại đang bồi rất mạnh, với chiều dài đoạn bồi khoảng 1,4km, khiến áp lực dòng chảy chủ lưu càng hướng về phía bờ Châu Phong, tăng thêm nguy cơ SL.
Theo Viện KHTL Miền Nam, nguyên lý bảo vệ bờ sông không bị xói lở là phải giảm vận tốc và đổi hướng dòng chảy không cho tác động trực tiếp vào bờ sông. Qua tính toán, phương án nạo vét để mở rộng, làm sâu lòng sông đáp ứng được mục tiêu giảm áp lực dòng chảy (giảm vận tốc tác động vào bờ lõm), giảm dòng chảy xoáy vòng tại khúc sông cong nên giảm được SL bờ. Trong đó phương án nạo vét tới cao trình - 11m giúp giảm vận tốc dòng chảy nhiều nhất (khoảng 0,3m/s). “Khi nạo vét, dòng chảy được khơi thông, phía bên bờ phải (Vĩnh Trường) mức độ bồi giảm 0,2-0,3m/mùa chứ không gây SL, còn phía bờ đối diện (Châu Phong), mức độ xói lở cũng giảm tương tự” - chuyên gia Viện KHTL Miền Nam đánh giá.
Ông Trần Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư cho biết, trên cơ sở bản xác nhận khối lượng cát thu hồi trong quá trình thực hiện Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đoạn sông Hậu (thuộc Châu Phong và Vĩnh Trường) của UBND tỉnh (ngày 29-12-2017), công ty đã tiến hành các bước thủ tục theo quy định để triển khai dự án. Tuy nhiên, khi tiến hành thi công vào ngày 16-1-2018, một số người dân bờ Vĩnh Trường phản đối nên công ty đã ngưng công trình cho đến nay. “Qua đánh giá của Viện KHTL Miền Nam, vị trí nạo vét cách bờ từ 60-80m là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo yêu cầu của người dân, chúng tôi đã thả phao vàng cách bờ Vĩnh Trường hơn 100m, có nơi hơn 150m (vị trí nạo vét từ phao vàng đến phao đỏ phía bờ Châu Phong). Chúng tôi rất mong bà con bờ Vĩnh Trường hiểu rõ ý nghĩa, giải pháp an toàn trong quá trình thi công để có sự đồng thuận, giúp dự án sớm được triển khai theo mong mỏi của bà con Châu Phong” - ông Vũ chia sẻ.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN