Cần thống nhất quy định về vận chuyển hàng hóa để chống dịch COVID-19

04/08/2021 - 06:52

 - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, kéo dài, cần có sự thống nhất trong quy trình, quy định quản lý nhằm dần thích nghi, “sống chung” với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, nhưng cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân tiêu thụ được nông sản, doanh nghiệp (DN) thuận lợi sản xuất - kinh doanh, tiếp thêm nguồn lực chống dịch.

Nông sản vẫn chưa thông

Thời điểm TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam triển khai và kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông sản ở ĐBSCL cũng vào cao điểm thu hoạch vụ hè thu 2021. Những quy định kiểm soát chặt chẽ giữa các địa phương cấp tỉnh, huyện, thậm chí trong từng xã, phường, thị trấn với nhau đã ảnh hưởng lớn đến thu hoạch và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa, rau màu - những mặt hàng vốn không thể tiêu thụ hết tại chỗ.

Ông N.V.B là một trong những nông dân có diện tích lớn canh tác lúa ở xã An Bình (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Nếu như những vụ trước, lúa vừa thu hoạch là DN đưa phương tiện xuống thu mua hết lúa tươi, chở đi ngay, thì vụ hè thu này gặp rất nhiều khó khăn. “Lúa vùng này do DN ngoài tỉnh đến thu mua nhiều. Tuy nhiên, vì địa phương không cho phương tiện vào thu mua nên không chỉ DN ở TP. Cần Thơ, mà ngay ở TP. Long Xuyên cũng khó vào. Tôi biết nhu cầu gạo trong nước và trên thế giới vẫn cao, nhưng do khó khăn khâu tiêu thụ, giá lúa tươi tại ruộng rớt xuống thấp” - ông B. cho biết. Không bán được lúa tươi, ông B. đã tự thuê ghe chở lúa ra nhà máy ở TP. Long Xuyên để tự sấy lúa, xay lúa và bán gạo cho DN.

Sáng 30-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) đã có cuộc họp với Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) và Sở Y tế về tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, 4 cơ quan đã thống nhất nội dung và kiến nghị UBND tỉnh 3 vấn đề chính.

Thứ nhất, người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định “5K” và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Thứ hai, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hóa trên tất cả các tuyến đường. Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết hạn thì kiểm tra y tế và giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.

Thứ ba, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Công văn 773/UBND-KGVX, ngày 27-7-2021 của UBND tỉnh, cụ thể là xem xét, cho phép phương tiện vận chuyển lúa, nếp, thủy sản, chăn nuôi thú y… hoạt động trong khung giờ từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Cần hiểu đúng và thống nhất

Trên cơ sở kết quả thống nhất của  4 sở (NN&PTNT, GTVT, công thương, y tế) và xét đề nghị của Giám đốc Sở NN&PTNT (tại Công văn 1675/SNNPTNT-CCTTBVTV, ngày 30-7-2021), Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký Công văn 800/UBND-KTN đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hóa, nhưng đồng thời phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn 800/UBND-KTN nêu rõ: “Trong thời gian thực hiện Công văn 773/UBND-KGVX, ngày 27-7-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa, gồm: lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Người điều khiển phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19”.

Ngày 30-7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký Công văn 797/UBND-KGVX về kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh An Giang đến hết ngày 15-8-2021. Trong đó, mục 2 có nêu: “Tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông) từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, trừ trường hợp thật cần thiết, như: cấp cứu, công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.

Nội dung này không mâu thuẫn với Công văn 800/UBND-KTN, bởi “các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây” vẫn được xem là thực hiện nhiệm vụ cấp bách, bởi những mặt hàng này phải được ưu tiên tiêu thụ, vận chuyển ngay, không thể chờ.

Tuy nhiên, trên thực tế, do cách hiểu chưa thống nhất, một số địa phương vẫn không cho phép các phương tiện vận chuyển nông sản ra đường sau 18 giờ đến 5 giờ sáng. “Những mặt hàng, như: thủy sản, rau, củ, trái cây tươi cần được vận chuyển ngay trong đêm để kịp giao, phân phối vào sáng sớm, tránh hư hỏng; mặt hàng lúa cũng cần vận chuyển nhanh để kịp sấy, bảo quản. Tuy nhiên, tài xế xe tải, tài công ghe, tàu vẫn không dám chạy ban đêm vì sợ bị phạt. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có hướng dẫn các địa phương thống nhất về vấn đề này” - ông H.D (chủ một DN kinh doanh nông sản ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đề xuất.

Ngoài vấn đề vận chuyển nông sản, nhiều địa phương cũng chưa thống nhất về vấn đề “hàng hóa thiết yếu” và “lý do ra đường thật sự cần thiết”. Một DN cung cấp lao động dịch vụ vệ sinh cho biết, nhiều nhân viên đi dọn vệ sinh cho cơ quan, ngân hàng theo hợp đồng (có giấy xác nhận) vẫn không được qua chốt kiểm soát trên cùng địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc để thực hiện công việc, dù vệ sinh sạch sẽ cũng là một trong những biện pháp chống dịch.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích