Nếu nhìn theo hướng tích cực thì những bài “bóc phốt” có nội dung đúng sẽ giúp cộng đồng mạng biết được hành động sai trái, cần lên án; đồng thời giúp cơ quan chức năng nắm bắt, giải quyết, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, chúng đang là công cụ bị một số người sử dụng để bôi xấu lẫn nhau, với muôn vàn lý do.
Những bài viết với nội dung công kích, video, hình ảnh nhạy cảm phản ánh điểm xấu của ai đó; thậm chí sử dụng hình ảnh, thông tin giả, bóp méo sự thật để vu khống người khác khiến cho mọi người hiểu nhầm và có cái nhìn tiêu cực về đối tượng đang bị “bóc phốt”. Mục đích cuối cùng là để hạ bệ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, giảm uy tín của cá nhân, tổ chức.
Mức độ xuất hiện của các vụ “bóc phốt” xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội, làm cho dư luận cảm thấy đó là chuyện hết sức bình thường. Xét trên phương diện cá nhân, những người đứng ra “bóc phốt” đều có lý do của riêng mình, như: Mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, nợ nần tiền bạc, quan hệ tình ái, cạnh tranh không lành mạnh, bất đồng trong quan điểm giải quyết, xử lý của cơ quan chức năng liên quan đến quyền lợi của bản thân…
Do không thể hoặc chưa giải quyết thỏa đáng nên chủ thể đã thu thập thông tin, hình ảnh, video đăng lên mạng xã hội để bày tỏ quan điểm công khai, lôi kéo cộng đồng mạng tự do bình luận, chia sẻ sâu rộng. Họ cảm thấy thích thú, thỏa mãn khi bài đăng của mình thu hút được lượng lớn lượt thích, bình luận, chia sẻ.
Có trường hợp sử dụng tài khoản chính chủ, hoặc tạo lập tài khoản ẩn danh để thể hiện quan điểm trong bài viết, gắn kèm hình ảnh, video hoặc cố tình chỉnh sửa hình ảnh để minh họa cho nội dung “bóc phốt” của mình thêm sinh động, trúng, đúng vào đối tượng cần nhắm đến.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn An Giang xảy ra nhiều vụ đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai, nợ nần tiền bạc. Điển hình như trường hợp tranh chấp đất đai xảy ra tại xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới), người dùng Facebook quay clip vườn cây ăn trái, tố cáo cá nhân chiếm đoạt toàn bộ đất vườn.
Tương tự là trường hợp của ông B. ở huyện Tri Tôn, chỉ vì tháp tùng cùng gia đình bên vợ ra tòa để nghe phân xử vụ tranh chấp nợ nần của bà con bên nhà vợ, mà vô cớ bị một nhóm người hành hung, bị chụp hình đăng lên Facebook. Hay như trường hợp đăng tải thông tin lên mạng xã hội chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong mua bán kinh doanh, đậu đỗ xe choáng mặt tiền nhà... Thực tế, không ít trường hợp bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, viết tường trình buộc tháo gỡ bài đăng, xử phạt vi phạm hành chính và cam kết không tái phạm.
Mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và quy định của Luật An ninh mạng nói riêng. Cần tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết, không được xem không gian mạng là “ảo”, vô hại. Nếu vượt quá giới hạn sẽ bị điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật.
Việc thông tin trên mạng xã hội không phải là điều xấu, nếu giúp mọi người biết được sự thật về các chiêu trò lừa đảo hoặc lật tẩy hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của một số người. Tuy nhiên, phải thực hiện như thế nào cho đúng luật, không vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Để việc đưa thông tin trên mạng xã hội phát huy mặt tích cực và tránh được nguy cơ vi phạm pháp luật, mỗi người cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc: Chấp hành nghiêm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; không sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép. Khi có thông tin xác thực về hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức thì thu thập các tài liệu chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng.
Theo pháp luật Việt Nam, nếu dùng lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên mạng xã hội (hướng tới cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân.
Ngoài ra, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm còn có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
K.N