Cần ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, shipper

23/08/2021 - 06:20

 - Qua thống kê, khoảng 85% nguồn lây nhiễm COVID-19 đến thời điểm này là từ tài xế xe tải cùng phụ xế, bốc xếp theo xe. Khi thực hiện giãn cách xã hội, đội ngũ shipper (người giao hàng) đóng vai trò rất quan trọng trong vận chuyển, kết nối hàng hóa đến người dân, doanh nghiệp (DN). Vì vậy, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ tài xế, shipper vừa góp phần ngăn chặn nguồn lây nhiễm, vừa đảm bảo người dân “Ai ở đâu ở đấy”.

Câu chuyện “hàng hóa thiết yếu”

Ngày 27-7-2021, Bộ Công thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Theo đó, các cơ sở kinh doanh, DN chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông, đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách cấm, sẽ được lưu thông bình thường trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của đề xuất này là do trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau về “hàng hóa thiết yếu”, gây khó khăn cho DN. Trong đó, có những hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu cần thiết cho đời sống của người dân nhưng bị ách tắc khi lưu thông.

Cần bảo đảm an toàn chống dịch trong lưu thông hàng hóa. Ảnh: N.C

Sau đề xuất của Bộ Công thương, ngày 29-7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc số 5187/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong văn bản này, khái niệm “hàng hóa thiết yếu” không còn được sử dụng mà thay vào đó, Chính phủ yêu cầu tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất - kinh doanh, xuất, nhập khẩu, tiêu dùng (trừ hàng hóa cấm sản xuất - kinh doanh theo quy định) trên phạm vi cả nước. Người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa phải thực hiện nghiêm quy định “5K”, có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Mặc dù quy định là vậy nhưng người dân muốn mua những mặt hàng cần thiết không dễ dàng. “Nhà có con nhỏ, cần những mặt hàng dành cho em bé nhưng tôi không sao mua được. Do hết hàng tại chỗ, khi muốn di chuyển qua trung tâm để mua thì các chốt không cho. Tôi đặt hàng bên trung tâm TP. Long Xuyên, cửa hàng cũng không thể giao, do tã không phải là hàng hóa thiết yếu” - chị N.T.N.L (người dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Nỗi lo của tài xế, người giao hàng

Anh T.Đ.M., một shipper làm việc cho hệ thống giao hàng tiết kiệm cho biết, hoạt động của shipper thời điểm này rất khó khăn, vất vả. “Ai cũng biết ra đường thời điểm này nhiều rủi ro, bản thân tôi muốn ở nhà chống dịch cho an toàn. Tuy nhiên, do là trụ cột gia đình, tôi phải đi làm để lo cho vợ, con. Mỗi shipper đều tự ý thức phòng dịch, bởi nếu lỡ lây nhiễm COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Khó khăn của shipper hiện nay là khi vận chuyển hàng, rất khó phân biệt đâu là hàng thiết yếu và không thiết yếu. Hôm trước có khách hàng đặt mấy tấm gỗ để sửa bàn học cho con gái. Khi tôi đi giao hàng, bị chốt kiểm soát chặn lại vì cho rằng gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu. Giao hàng không được, mình cũng rất áy náy với khách hàng” - anh M. bộc bạch.

Là chủ một DN chuyên đóng hàng đi giao theo các chành xe, hơn 1 tháng nay, ông Q.H.L. (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất. “Ngành hàng của tôi cần rất nhiều bao bì giấy để đóng hàng. Do ở An Giang không đủ nguyên liệu nên phải đặt hàng nơi khác giao đến. Tuy nhiên, nhiều DN không thể giao, do có những chốt kiểm soát xác định bao bì giấy không phải là hàng thiết yếu. Tôi nghĩ rằng, khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, cái người dân cần không chỉ là lương thực, thực phẩm để phục vụ bữa ăn hàng ngày, mà còn là nhiều loại hàng hóa khác đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, trồng trọt, chăn nuôi, lao động... Đối với DN, nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất rất đa dạng, phức tạp, không thể liệt kê hết danh mục để kiểm soát. Theo tôi, chỉ cần không phải hàng cấm, hàng hạn chế vận chuyển thì nên cho lưu thông” - ông L. đề xuất.

Là chủ DN chuyên vận chuyển hàng hóa ở phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), điều anh Đ.V.P. lo lắng nhất là đảm bảo an toàn cho đội ngũ lái xe, bốc xếp hàng hóa. “Mong muốn lớn nhất của DN là được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho tài xế và người theo xe tải. Sau khi được tiêm vaccine, anh em đi làm yên tâm hơn và khách hàng cũng tin tưởng hơn” - anh P. kiến nghị.

Được tiêm vaccine cũng là mong mỏi của những shipper như anh T.Đ.M. “Theo tôi, cần xem tài xế, shipper cũng là lực lượng được ưu tiên tiêm vaccine. Khi tài xế và các shipper được bảo vệ an toàn, hàng hóa được tạo thuận lợi lưu thông, người dân mới thật sự yên tâm ở nhà chống dịch” - anh M. phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, đội ngũ tài xế, phụ xe, bốc xếp, shipper là những người ra đường thường xuyên, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, nhất là thời gian giãn cách xã hội. Đội ngũ này ở mỗi tỉnh cũng chỉ từ vài ngàn đến hơn 10.000 người, cần lượng vaccine không quá nhiều trong số vaccine được phân bổ. Nếu họ được tạo điều kiện tiêm chủng sớm, sẽ đóng góp rất lớn vào việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.


NGÔ CHUẨN